Những chiếc Ferrari và chiếc xe gắn máy - Dân Làm Báo 1

Những chiếc Ferrari và chiếc xe gắn máy


Nguyễn Hùng - Việt Nam vẫn đang theo xu hướng nhà nước đóng "vai trò chủ đạo" trong hầu hết mọi lĩnh vực. Trong không gian chung, nếu nhà nước chiếm phần to thì hiển nhiên những đóng góp có thể có của người dân và các tổ chức phi chính phủ sẽ nhỏ lại. Ở một góc độ nào đó có thể nói nếu nhà nước muốn lái chiếc Ferrari trên xa lộ xã hội thì người dân sẽ bị đẩy ra rìa đường với những gánh nặng cuộc sống của riêng họ trên lưng...

*

Tuần qua có những dấu hiệu đáng mừng ở Hà Nội khi người nhiều quyền lực nhất nước và những người đứng đầu thành phố có xu hướng đối thoại và tham vấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp hàng chục chuyên gia để bàn chuyện kinh tế giữa lúc lạm phát vẫn ở mức trên 20% và người dân tiếp tục đổ xô đi mua vàng vì mất niềm tin vào tiền đồng và nền kinh tế.

Các lãnh đạo thành phố Hà Nội gồm bí thư thành ủy, chủ tịch thành phố, trưởng ban tuyên giáo và giám đốc công an gặp gỡ những trí thức phản đối thông báo cấm biểu tình mà ủy ban thành phố đưa ra.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong những người tham gia nhiều cuộc biểu tình, nói những cuộc tiếp xúc như thế này đáng ra đã phải diễn ra từ lâu và thường xuyên hơn.

Trung Quốc bắn chết hàng chục binh sĩ Việt Nam hồi năm 1988, giết hàng nghìn người trong cuộc chiến chiến biên giới năm 1979 và bắn chìm tàu cùng hàng chục lính miền nam Việt Nam hồi năm 1974, nhưng Việt Nam vẫn 'giao thiệp' hết sức lịch sự với Trung Quốc.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa tuyên bố "...Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng" ngay cả sau khi Bắc Kinh nói thẳng họ không đàm phán với Việt Nam về đảo Hoàng Sa mà họ chiếm từ năm 1974.

Vậy có lý do gì để chính quyền không đối thoại với chính người dân trong nước, những người xuống đường hòa bình để phản đối Bắc Kinh.

Một chính quyền văn minh là chính quyền dùng sức mạnh của lý lẽ để thuyết phục người dân chứ không phải dùng tới sức mạnh cơ bắp.

Việt Nam đang cần có sự tham gia rộng khắp của nhiều tầng lớp trong xã hội để giải quyết một loạt các vấn đề phát triển, trong đó có sự bất công, bất bình đẳng và ở mức độ nào đó sự bất lực trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Khoảng cách giàu nghèo

Một người đàn ông chở phản bằng xe máy
Khoảng cách giàu nghèo là một trong những vấn đề cần sự góp sức của toàn xã hội để giải quyết 

Bức ảnh trên do một độc giả ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng BBC.

Nó tương phản với bức ảnh có trong phần cuối bài với bảy chiếc Ferrari, mỗi chiếc lên tới vài trăm ngàn đô la Mỹ, cộng thêm xe Bentley và Rolls Royce đỗ bên ngoài một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Một chiếc xe Bentley có giá lên tới nửa triệu đô la trong khi xe Rolls Royce đắt hơn gấp đôi như vậy.

Riêng tiền bảo hiểm của xe Bentley đã có thể lên tới nửa tỷ đồng Việt Nam một năm.

Trong khi đó tại những vùng nghèo của Việt Nam vẫn có những người dân sống nhờ vào chưa tới 20 kg thóc mỗi tháng.

Một nhà bình luận nói với BBC: "Thật đáng tiếc! Tôi nghĩ thanh niên ở Sài Gòn không có hoài bão gì khác ngoài ham muốn vật chất và những thứ hời hợt.

"Họ giống như các thanh niên Singapore tội nghiệp.

"Tôi đã mất nhiều niềm tin vào con người."

Ý kiến độc giả

Một bức ảnh người đi xe máy chở phản tượng tự được BBC đưa lên trang Facebook đã nhận được hơn 60 phản hồi.

Marshall Trần viết: "Người giàu họ có tiền họ làm gì là quyền của họ, tiền của họ có mất mát là mất mát của họ!

"Ngu hay khôn cũng là họ, hoang phí lãng phí là của họ! Không hiểu lôi ra bàn làm gì."

Độc giả Thanh Le cũng có vẻ ủng hộ ý kiến của Marshall Trần:

"Mình chẳng biết BBC có ý gì khi đăng những tấm ảnh như thế này, vì ở nước nào cũng có giàu nghèo cả không riêng gì ở VN.

"Mình thấy BBC làm như vậy tạo điều kiện cho nhiều nhiều người có dịp chửi mắng chế độ mà thôi.

"Cũng giống như báo chí VN trước đây (bây giờ ít đi rồi) ghét Mỹ là lôi những cái xấu của người Mỹ ra mà chửi, mà bàn luận rồi so sánh này nọ chứ không nêu những cái hay, tiến bộ của họ

Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại.

Người dùng Facebook có tên 'Motherland He He' viết: "Đừng ai lấy hoàn cảnh hàng xóm ra để tự nâng mình lên.

"Mỹ phân hóa giàu nghèo thì không có nghĩa Việt Nam cũng được thế."

Trong khi đó bạn Tong Duy cũng có ý kiến dài về chủ đề này: "Ở các nước phát triển, có phân hóa giàu nghèo nhưng người nghèo còn có trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp xã hội để nuôi sống qua ngày.

"Nói chung người giàu không ăn trên ngồi trốc, không [phải không] quan tâm đến xã hội xung quanh, nhiều tỉ phú còn tìm cách lập các quỹ cứu trợ ra đến quốc tế sau khi vấn đề nghèo đói ở quốc gia họ được giải quyết cơ bản.

"Còn ở Việt Nam thì ai nghèo chỉ có nước đi ăn xin, lê lết, bán vé số, móc bọc nilon dưới kênh hôi thúi, nằm ngủ vật vạ đầy đường đầy chợ ... trong khi đó có một số người lại xài quá sang, đem vàng ném thi xuống sông Sài Gòn khu Thanh Đa, mua SIM điện thoại trị giá 1,7 tỉ VND, đi xe hàng triệu đô, quan trọng là nhiều nguồn thu của những người đó bị xã hội nghi ngờ là bất chính, thiếu minh bạch.

"Vấn đề phân hóa ở đây là quá chênh lệnh giữa một bên là mót từng bữa ăn, còn một bên là quá xa hoa."

Ferrari và xe gắn máy


Xe Ferrari ở bên ngoài một quán ăn tại thành phố Hồ Chí Minh

Người ta có thể thấy bẩy chiếc Ferrari sánh vai cùng xe Bentley và Rolls Royce ở bên ngoài một nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh

Trở lại với vấn đề 'xã hội hóa' việc giải quyết các vấn đề phát triển tại Việt Nam, nhiều trí thức tâm huyết đã đưa ra một loạt ý kiến và kiến nghị.

Họ muốn để người dân và các tổ chức phi chính phủ có vai trò lớn hơn trong nhiều lĩnh vực.

Các tín đồ muốn có không gian để quảng bá cách sống có trách nhiệm, quan tâm tới vật chất ít hơn và sống vì đồng loại nhiều hơn.

Các kinh tế gia muốn ý kiến của họ được lắng nghe và muốn kinh tế nhà nước nhỏ lại để tư nhân có đất phát triển và cũng để tránh tình trạng thất thoát hàng tỷ đô la tiền thuế của dân như Vinashin.

Những người chống tham nhũng lại muốn họ có những kênh để chính quyền và dư luận biết tới mức độ lan tràn của tệ nạn này cũng như sự ngoảnh mặt làm ngơ ở nhiều cấp.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang theo xu hướng nhà nước đóng "vai trò chủ đạo" trong hầu hết mọi lĩnh vực.

Trong không gian chung, nếu nhà nước chiếm phần to thì hiển nhiên những đóng góp có thể có của người dân và các tổ chức phi chính phủ sẽ nhỏ lại.

Ở một góc độ nào đó có thể nói nếu nhà nước muốn lái chiếc Ferrari trên xa lộ xã hội thì người dân sẽ bị đẩy ra rìa đường với những gánh nặng cuộc sống của riêng họ trên lưng.




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1