Tân Chủ Tịch Nước nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo - Dân Làm Báo 1

Tân Chủ Tịch Nước nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trọng Nghĩa (RFI) - Đúng như dự đoán, trong phiên họp vào hôm nay 25/07/2011 tại Hà Nội, 97,4% đại biểu Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu tán đồng việc cử ông Trương Tấn Sang, lên làm Chủ tịch nước. Trong các tuyên bố đầu tiên trong cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Trương Tấn Sang đã khẳng định tính chất bất khả xâm phạm của chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Theo báo chí trong nước, vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được tân Chủ tịch nước nêu bật trong bài phát biểu trước Quốc hội khi nhận chức, cũng như với giới báo chí sau đó.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết là trong phát biểu của mình, ông Trương Tấn Sang xác định rằng một trong những ưu tiên quan trọng của ông là kiên trì giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, chủ quyền biển đảo...bằng thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và nguyên tắc ứng xử của khu vực”.

Trong phần nói chuyện với báo chí sau đó, tân Chủ tịch nước Việt Nam cũng nhắc lại vấn đề nóng bỏng hiện nay là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo tờ báo trên mạng vnexpress, ông đã nhấn mạnh rằng “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.

Kết quả cuộc bỏ phiếu chọn chủ tịch nước hôm nay tại Quốc hội Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên vì lẽ ông Trương Tấn Sang là người duy nhất được đề cử. Năm nay 62 tuổi, ông Trương Tấn Sang là một người gốc miền Nam, từng làm chủ tịch Ủy ban Nhân dân rồi Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2006 đến nay, ông nắm chức Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, một vị trí thường được xem là số 2 trong đảng.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trước lúc diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng Giêng vừa qua, ông Trương Tấn Sang đã nỗ lực tranh chức thủ tướng Việt Nam từ tay ông Nguyễn Tấn Dũng (62 tuổi). Tuy nhiên, kết quả Đại hội cho thấy là ông Sang không thành công, và ông Dũng sẽ được duy trì ở chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ chức thủ tướng rất được nhòm ngó, đó là vì trong thời gian gần đây, đây được xem là chức vụ quan trọng nhất trong guồng máy lãnh đạo Việt Nam, hơn hẳn chức Chủ tịch nước chỉ mang tính chất biểu tượng, và thậm chí còn hơn cả chức Tổng bí thư Đảng.

Theo AFP, một nhà ngoại giao châu Á xin giấu tên đã cho rằng dù cạnh tranh với nhau, nhưng quan hệ giữa hai ông Sang và Dũng sẽ hòa hoãn, vì lẽ Thủ tướng Việt Nam sẽ phải tập trung tìm cách ổn định nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Theo thủ tục hiện hành tại Việt Nam, chính Chủ tịch nước, sau khi được Quốc hội đề cử, sẽ có trách nhiệm giới thiệu Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội chuẩn y, cùng với các chức vụ khác như Phó chủ tịch nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Và đúng theo kịch bản được dự trù, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều nay đã đề cử Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng nhiệm kỳ kế tiếp. Thủ tục bỏ phiếu bầu sẽ diễn ra vào ngày mai.

Trọng Nghĩa



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1