Khi nhà giáo cầm loa - Dân Làm Báo 1

Khi nhà giáo cầm loa


Cánh Cò - Người thầy phải là người định hướng cho những thế hệ học trò của mình tìm ra chân lí. Đừng tự biến mình thành công cụ, thành cái loa của chế độ, chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Nếu không làm được điều đó, thì vì chút lòng tự trọng còn sót lại của một con người, đừng tự sỉ nhục chính mình và đừng xúc phạm đến lòng yêu nước, đến công việc trồng người của cả một dân tộc.


*


Suốt mấy tuần liền, tôi bị ốm, phải nhập viện.

Chủ nhật ngày 5 tháng 6, có đứa bạn thân alo, hỏi: “Mày có đi biểu tình không?” Khi đó, tôi tay tiêm, tay chuyền, miệng uống đủ thứ thuốc, lấy sức đâu mà đi biểu tình. Nhưng vẫn hồi hộp chờ tin từ những người bạn trong Sài Gòn kể về không khí biểu tình.

Ra viện, bác sĩ dặn, khi về nhà phải nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh xúc động để giữ cho tâm lí được thăng bằng, nếu không, bệnh cũ sẽ tái phát.

Những ai có một chút lương tri còn sót lại, làm sao có thể ngồi yên được trước làn sóng biểu tình của người Việt ngày một dâng cao? Tôi lò mò vào mạng, vào các trang Web lề trái, lề phải để cập nhật thông tin. Lề phải thì im thin thít như thằng câm, và chỉ tung những tin rác, trong khi các trang lề trái thay nhau cập nhật liên tục về các cuộc biểu tình của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ học sinh sinh viên…  chống Trung Quốc.

Tôi thật sự xúc động trước những tiếng hô vang của rất nhiều câu khẩu hiệu: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”... của không chỉ hàng nghìn trái tim Việt Nam từ khắp mọi miền của tổ quốc, mà còn của các bạn trẻ Việt Nam ở Nhật Bản, ở Úc đồng loạt biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Trong những khoảnh khắc đó, trái tim tôi rung lên những nhịp đập khác thường. Và tôi bỗng dưng cũng muốn bật la to lên những khẩu hiệu cùng họ, những đồng bào tôi. Tôi chợt hiểu rằng, tổ quốc luôn ở trong tim của những con người Việt Nam yêu nước, bất luận họ ở đâu, họ là ai và họ làm gì.

Nhưng càng rúng động trước những trái tim hướng về cội nguồn, về dân tộc Việt Nam bao nhiêu thì tôi lại càng đau lòng bấy nhiêu khi nhìn thấy nguyên văn thông báo của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, không cho học sinh tham gia biểu tình, và sẽ đuổi học nếu sinh viên nào cố tình vi phạm.

Và khi xem một đoạn video, cũng ở trên mạng, một người cũng là Phó Hiệu trưởng một trường Đại học có cái tên nghe rất tuyệt: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, cầm loa, mục đích là làm trì hoãn và phân tán làn sóng biểu tình của sinh viên. Ông Hiệu trưởng này tỏ ra khôn ngoan hơn trong cách ứng xử với sinh viên là cứ giải thích lòng vòng về đường lối ngoại giao của Việt Nam ta ôn hòa và nhờ vào quốc tế can thiệp.

Rồi, với tư cách là người dẫn đoàn, ông liên tục cướp loa, không cho sinh viên bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình. Lối ra đòn này, học trò của tôi thường hay gọi đó là những hòa thượng “thích câu giờ”. Và tôi thì gọi là thủ thuật “cướp diễn đàn” của “công an nhà nước CSVN”.

Cũng phải thôi, cha ông ta hay nói: “Ăn cơm chúa, múa tối ngày” để chỉ những bọn chó săn xu nịnh, hôi của từ những đồng tiền xương máu của nhân dân. Những kẻ đã bán linh hồn cho quỷ dữ, đã thành quỷ dữ, thì làm sao còn lương tâm của một con người để mà bàn chuyện phải – trái, đúng – sai, để nói chuyện hòa bình, chuyện công lí?

Khi quỷ dữ đội lốt thiện nhân, chúng có thể ăn như người, nói như người, nhưng hành động thì của lũ ác quỷ. Chỉ có những kẻ phi nhân tính mới ngăn không cho sinh viên đi biểu tình và  đe dọa họ bằng nhiều hình thức. Ôi, nhân danh những người thầy, những kẻ lãnh đạo, chúng tạo ra những văn bản ngớ ngẩn và điên rồ.

Thật nhục nhã. Những kẻ vùi dập, giẫm đạp lên lòng yêu nước không thương tiếc, thì đây, ông hiệu trưởng trường Đại học công nghiệp TP HCM được phong là Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Nhân đây cũng xin nói luôn, kẻ làm cho nền giáo dục Việt Nam ngày càng khủng hoảng trầm trọng, vô phương cứu chữa thì lại được nhận bằng khen vì đã có công với sự nghiệp đổi mới giáo giục. Đó chính là ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên bộ trưởng bộ giáo dục.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại chuyện của tôi cách đây nhiều năm về trước, khi tôi bảo vệ đề tài luận văn có liên quan đến nhóm Nhân văn giai phẩm. Có thầy giáo từ Sài Gòn dự, đã rất sợ hãi khi tôi mạnh mẽ nói rằng, một ngày nào đó, con cháu chúng ta sẽ hỏi tội chúng ta, vì sao chế độ Cộng sản đã đàn áp dã man phong trào Nhân văn giai phẩm, đã làm cho nhiều nhà văn trở nên như giẻ rách?

Thầy nói, tôi viết mạnh tay quá, và sau đó, cả hội đồng chấm luận văn công bố điểm của tôi, dĩ nhiên là điểm thấp rồi, cứ một mực đòi tôi chữa lại luận văn mới công nhận điểm. Tôi đã chữa lại luận văn theo yêu cầu của thầy nhưng lưu trữ trong thư viện cuốn luận văn không hề đục, cắt một chữ.

Thật vô lí. Sự hèn nhát, cộng với sợ hãi đã giết chết một trái tim,  trái tim con người. Nhưng sẽ còn nhiều điều vô lí hơn nữa, nếu như những người thầy chỉ làm nhiệm vụ của một cái loa.

Có lần, cha tôi, một thầy giáo khả kính của nhiều thế hệ học trò đã nói với tôi rằng, người thầy được ví như hoa tiêu trên biển, Nếu người hoa tiêu không thuộc đường thì sẽ dễ dàng dẫn cả con tàu của mình lạc hướng, và như thế sẽ nguy hiểm vô cùng. Dân tộc Việt Nam rồi sẽ đi đến đâu, nền giáo dục của Việt Nam rồi sẽ đi đến đâu khi những người vừa không có đạo đức, vừa thiếu tri thức lại ôm cái nhiệm vụ rất ư cao cả: kĩ sư tâm  hồn.

Là một giáo viên, tôi còn nhớ như in, bài dạy tiếng Việt có trích đoạn, khi giặc Mông Nguyên ồ ạt kéo quân sang nước ta, vua Trần đã họp các bô lão ở điện Diên Hồng để hỏi về kế sách đánh giặc. Khi vua hỏi đến câu, nên hòa hay nên đánh thì cả điện Diên Hồng rung chuyển vì tiếng hô vang của các bô lão là: Đánh! Đánh! Đánh! Chỉ có một từ Đánh mà có sức mạnh hơn cả hàng ngàn, hàng vạn đội quân.

Rồi tôi cùng học trò tìm hiểu về những nhân vật như, Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... những nhân vật lịch sử đó, được xem là quân sư của những triều đại khác nhau. Họ đều là những bậc thầy có đầy đủ tài, đức đã làm nên bao công trạng hiển hách cho nước nhà, mở lịch sử sang nhiều trang sử hào hùng, vẻ vang. Nhờ họ mà lịch sử Việt Nam khởi sắc, và ngày nay, chúng ta còn có chút mà tự hào, mà noi gương.

Họ, những con người sống ở những thời khắc lịch sử khác nhau. Nhưng hễ có giặc, là những người thầy đó không quản khó khăn, gian khổ, không sợ chết để cùng với mọi người gìn giữ non sông Việt Nam đến cùng, để không cho mất một tấc đất của non sông.

Có bao giờ, những người đang được gọi là nhà giáo, đang làm phận sự của một nhà giáo, noi gương của các bậc tiền nhân để bằng vai trò của mình, thức tỉnh, làm bừng cháy trong lồng ngực những trái tim đang ngủ quên trong sự hưởng thụ, trong sự tham vọng về quyền lực, trong sự bưng bít thông tin,... để họ nhìn ra được thân phận của chính mình đang bị đe dọa, khi đất nước đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc như cha ông ta năm xưa?

Các thầy giáo của chúng ta giảng dạy điều gì nơi học đường khi cả dân tộc đang bị Trung Quốc cưỡng hiếp? Quân thù đã lấn chiếm Trường Sa, Hoàng sa, đã đi lại nghênh ngang ngoài đường, đã lấn chiếm biển đông, đã khai thác tiềm năng khoáng sản ở Tây nguyên,... Những người thầy có dẫn đầu đoàn sinh viên xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam để quy tụ và làm nên sức mạnh của những con tim Việt Nam không?

Có bao nhiêu người thầy ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh chung của toàn dân tộc mà chung tay, chung sức khi tổ quốc lâm nguy như bây giờ? Hay những người thầy khả kính của chúng ta ngồi trong phòng lạnh với rất nhiều thứ của cải xa hoa để thảo những công văn cấm học sinh, sinh viên biểu tình, hoặc nếu có xuống đường cùng sinh viên, thì cũng với mục đích kiểm soát làn sóng biểu tình ngày càng tràn lan trong giới sinh viên?

Nếu một khi lòng yêu nước dâng cao trong mỗi trái tim Việt Nam, thì không có một công văn nào sẽ có hiệu lực, nhất là đối với các bạn trẻ. Mọi mệnh lệnh và chỉ thị sẽ bị vô hiệu hóa.

Hiệu trưởng của tất cả các trường Đại học, Cao đẳng và cả Trung học nữa, có thể đuổi học hết tất cả học sinh, sinh viên cả nước không, nếu họ đồng loạt xuống đường?

Khi lòng yêu nước trở thành sức mạnh, thành ý chí, thì mọi thế lực, dù mạnh đến đâu, đều phải sợ hãi và khuất phục.

Các nhà giáo nói riêng, và những người đang nắm giữ trong tay nhiều tiền bạc và quyền lực, hãy nghiêng mình trước lòng yêu nước của những người xuống đường để nhận ra mình trong dòng chảy của dân tộc, và hãy khiêm nhường học lại nghiêm túc bài học về lòng yêu nước từ những học trò của họ.

Người thầy phải là người định hướng cho những thế hệ học trò của mình tìm ra chân lí. Đừng tự biến mình thành công cụ, thành cái loa của chế độ, chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Nếu không làm được điều đó, thì vì chút lòng tự trọng còn sót lại của một con người, đừng tự sỉ nhục chính mình và đừng xúc phạm đến lòng yêu nước, đến công việc trồng người của cả một dân tộc.

Nếu không, lịch sử sẽ không thể bỏ qua tội lớn này của các quý thày đâu.



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1