Cơn bão trong tách trà - Sự Thật - Dân Làm Báo 1

Cơn bão trong tách trà - Sự Thật


Đặng Thanh Chi (danlambao) - Thử thách duy nhất là chúng ta có can đảm “tìm” để “hiểu” đến tận căn nguyên của vấn đề hay không ? Hay mắt chấp nhận “nhìn” cái người ta cho mình “thấy” và tai chấp nhận “nghe” điều người ta cho mình được nghe?  Sự đi tìm cái nhìn đa chiều của trí tuệ tri thức hay sự tuân thủ chấp nhận với cái nhìn “một chiều đường thẳng” của đôi mắt ngựa bị kẻ cầm cương che lấp?  để chỉ biết bước tới một cách vô thức trên lối mòn độc đạo?...

*

Đã gần hai năm,  chiều nay tôi trở về chốn cũ.  Hai năm qua thời gian trôi như giòng nước bạc.  Tôi đã vượt qua nhiều thử thách.  Bạn tôi nhiều người đã bị bắt giam mà lỗi không ở họ. Những người từng gọi nhau là chiến hữu đã không còn đồng hành.  Tôi đã mất mát nhiều, trừ chính mình! Lý tưởng phụng sự cho quê hương vẫn nguyên vẹn trong tôi.  Đó là điều hạnh phúc duy nhất còn sót lại trong muôn vàn những vô thường.

Vạt nắng chiều sắp tắt.  Tôi đứng yên nhìn. Tấm bảng gỗ treo lơ lững giữa những vòm cây.  Cũng nơi này, hai năm trước...  Trong một chuyến công tác xa nhà, tôi đã ghé vào vào trà viên này. Lúc ấy, bên tôi, vẫn còn những người tưởng rằng sẽ mãi là chiến hữu.  Hôm nay, tôi trở lại chốn này. Vẫn là một chuyến công tác, nhưng tôi chỉ còn lại mình.  Mọi yếu tố khác, từ con người, cảnh vật, đều đã khoác màu thay đổi của thời gian...

Tôi bước qua cánh cổng gỗ nâu. Vẫn những phiến đá thấp trên mặt nước hồ. Trà viên của hai năm trước nay nhuốm màu rong rêu.  Tàng cây phủ lối đi nhỏ, lá ngập mỗi bước chân. Vẫn thoảng trong gió mùi trầm hương của ngày cũ... Một lần nữa, tôi lặng người cảm nhận thâm ý của chủ nhân:  tôi đang ý thức mỗi bước chân đưa tôi dần vào thế giới của “chado”; hoặc “chanoyu”: thế giới của Trà Đạo!

Khi đứng ở “machiai”, nơi khách phải đứng chờ đến lượt mình được mời vào trà thất, mắt tôi thoáng tìm lại “roji”, “lối vào vườn”, nối liền phòng lễ tân với trà thất.  Nhìn trước lối nhỏ lát sỏi mà chỉ chốc lát nữa, tôi sẽ tự mình bước qua.  Tôi cảm nhận sự yêu cầu thâm trầm của những vị thực hành trà đạo, đa số đều là những thiền gia: lối đi nhỏ vào vườn “roji”, dẫn từ phòng lễ tân “machiai”, đến trà thất, nơi khởi xuất những bước đầu của sự nhập thiền.

Con đường nhỏ “roji” được thiết kế để ngăn thế giới bên ngoài với thế giới tĩnh lặng trong trà thất.  Ai bước qua lối nhỏ của trà viên, cần gác lại những lo toan, bận rộn của cuộc sống hằng ngày để bước vào thế giới của thiền định, của yên tĩnh, an cư, tinh khiết...  Khi đặt chân trên những phiến đá xếp quanh co, phủ rong rêu năm tháng, chân dẫm lên những chiếc lá rơi, khô, nát... Và trong ánh sáng huyễn hoặc của những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trong bầu trời đêm, tôi vẫn không sao quên được chỉ cách đó vài bước, bên ngoài trà viên này, vẫn còn nguyên đó thành phố ồn! bụi! đông! chật!.  Mùi trầm hương khiến không gian thêm tĩnh lặng, nhưng vẫn không xua tan được những ý tưởng lo âu, công việc sắp tới, những đổi thay vừa vượt qua, cuộc sống mới, bè bạn nơi lao tù...

Tôi thầm nhủ mình lại đã thất bại thêm lần nữa trong bước đầu nhập thiền.  Lẽ ra, khi bước qua “roji”, trước khi bước vào trà thất của riêng mình, người thực hành trà đạo đã phải cảm nhận dù thân đang giữa chốn phố xá xô bồ, nhưng tinh thần đang tĩnh.  Thân vượt thoát lên những khóm lá trúc xanh, tâm trụ ở giòng suối thanh tịnh, ý vắng, khẩu lặng.  Thân, tâm, trí cần tách rời với giòng khói mù và bụi bặm của thế giới vừa bỏ lại sau lưng, bên ngoài cánh cổng gỗ nâu của trà viên đêm nay.  Phải chăng hai năm vừa trôi với quá nhiều thử thách, đã vẫn để lại trong tôi những vết cắt chưa quên ?  Đêm nay tôi mang theo vào “Sukiya” một quá khứ hình như vẫn còn vướng vất.

Trước khi bước vào “Sukiya”, loại trà thất biệt lập chỉ đủ rộng cho năm người ngồi, hoặc “Kakoi”, tức trà thất được ngăn riêng bởi những vách gỗ dán giấy đơn sơ; tôi phải bước qua “Midsuya”, nơi dùng để chứa, sửa soạn, và bày trí những dụng cụ pha trà, và “machiai”, căn phòng đợi dành cho khách.  Nhiều người biết đến trà đạo qua những nghi thức pha trà phức tạp, dùng trà kiểu cách, đòi hỏi nhiều quy luật.  Thực ra, Kakuzo Okakura, (ở Nhật, người ta biết ngài dưới tên Tenshin), đã nói rằng trà đạo là một dạng của “văn hóa tinh thần”, một sự kỷ luật tự thay đổi chính mình để theo đuổi “nghệ thuật của đời sống”.  Trà đạo giúp ta hoàn thiện sự nhận thức sâu sắc về giá trị của những vật đơn giản, tầm thường trong cuộc sống hằng ngày, và tâm điểm của trà đạo nhắc nhở con người về vị trí của mình trong hệ thống tuần hoàn của vũ trụ.

Đơn giản hơn, theo Okakura, trà đạo là một số ít bạn hữu, cùng đến với nhau trong nhiều giờ, chia xẻ cho nhau những chén trà xanh, tạm quên những bận rộn, lo toan trong đời sống hằng ngày.  Và trong sự lặng yên tâm hồn ngồi bên nhau, họ tìm thấy sự an nhiên, nhận chân ra chính mình, cảm nhận từng phút giây đang trôi qua, để ý thức thật trọn vẹn hành động của mình ở mỗi khoảnh khắc thời gian và tìm thấy cái đẹp trong những vật dụng bình thường nhất, tầm thường nhất: tro trong lò than hồng, tiếng nước reo sôi trong ấm, khói trà trong tách, trầm hương vây quanh, ánh sáng lọc qua tàng lá, một cánh hoa trong bình, câu thơ cổ treo trên vách, ánh trăng non, cá quẫy đuôi dưới hồ, bọt nước vỡ...

Trở lại lần này, tôi đặc biệt xin chủ nhân cho tôi ngồi một mình trong trà thất biệt lập, cất riêng trên mặt nước hồ sen.  Nhìn ra ngoài khung cửa sổ, bầy cá vàng bơi lội dưới hồ.  Trông chúng tự do làm sao, thanh thản làm sao, hồn nhiên quá khi chúng không phải mang kiếp người !  Tôi liên tưởng đến chuyện của ngài Soshi.  Ông bảo người bạn một ngày cùng tản bộ bên bờ suối: “nhìn kia, những con cá đang vui đùa bơi lội trong giòng nước!”.  Người bạn hỏi ngay: “anh không phải là cá, sao anh biết chúng đang vui?”. Sochi trả lời:”anh không phải là tôi, sao anh biết rằng tôi không thể biết cá đang vui?”.

Con người tranh cãi nhau không dứt vì quan niệm chủ quan của riêng mình. Ai đúng ai sai? Chiến tranh tiếp diễn chiến tranh, khi nào dừng lại?  Thiền đạo, Lão giáo đều nhắc nhở con người về thuyết tương đối.  Sự thật và Chân lý chỉ có thể đạt đến khi người ta chấp nhận cho những ý kiến “tương phản” được tự do phơi bày.  Sự đối nghịch và đa nguyên là cần thiết nếu muốn đạt đến sự thông hiểu am tường một vấn đề.  Thử thách duy nhất là chúng ta có can đảm “tìm” để “hiểu” đến tận căn nguyên của vấn đề hay không ? Hay mắt chấp nhận “nhìn” cái người ta cho  mình “thấy” và tai chấp nhận “nghe” điều người ta cho mình được nghe?  Sự đi tìm cái nhìn đa chiều của trí tuệ tri thức hay sự tuân thủ chấp nhận với cái nhìn “một chiều đường thẳng” của đôi mắt ngựa bị kẻ cầm cương che lấp?  để chỉ biết bước tới một cách vô thức trên lối mòn độc đạo?

Có vị giáo sĩ, ngạc nhiên dừng lại bên quán nhỏ, nơi treo tấm bảng ghi: “Quán Bán Sự Thật”.  Người chủ quán ngước hỏi: “ngài muốn mua loại sự thật nào ? loại “một phần sự thật” hay loại “toàn bộ sự thật”?  “Dĩ nhiên, tôi chỉ muốn “toàn bộ sự thật”, giáo sĩ trả lời không đắn đo. “Tôi không muốn có bất cứ sự che dấu nào, sự bảo vệ nào, sự tự biện giải nào. Tôi muốn toàn bộ sự thật, thẳng thắn và không hề bị cải sửa”.  Giáo sĩ nói thêm một cách quả quyết.  Chủ quán trả lời: “Thưa ngài, ngài sẽ phải trả giá rất cao”.  Giáo sĩ bảo: “Anh cứ cho biết giá. Tôi không thể chấp nhận nửa phần sự thật. Tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được toàn bộ sự thật”.  Chủ quán chậm rãi: “Giá phải trả là sự an toàn trong chính tư tưởng của ngài”.  Giáo sĩ rời khỏi quán với lòng nặng trĩu:  ông đã không dám rời bỏ sự an toàn của những điều mà ông đã trót tin theo trong suốt hơn nửa đời người. Và ông rời khỏi quán chấp nhận rằng mình vẫn chưa sẵn sàng để dám biết toàn bộ sự thật.

Đôi lúc chúng ta cần nhìn lại chính mình, như vị giáo sĩ kia, để hiểu vì đâu chúng ta đã không nắm bắt được toàn bộ sự thật?  Vì những người lãnh đạo lừa mị chúng ta? hay do chính chúng ta dung dưỡng sự dối trá vì không dám tìm để hiểu cho đến tận cùng căn nguyên ? Hay vì ta không dám đối diện với sự thật ?  Vì e rằng mình sẽ mất đi chỗ tựa “an toàn” cho chính luồng suy nghĩ của mình trong nhiều năm ? Một đảng phái thoái hóa, phản dân chủ, trách nhiệm ở lãnh đạo hay trong tay mỗi một đảng viên? Sự thờ ơ trước bổn phận và sự lẩn tránh trách nhiệm, đâu là lỗi và cái nào là tội ?  Có người nuôi dưỡng sự thật trong lương tâm của riêng mình vì họ sợ phải nói ra với mọi người.  Có người lẩn tránh vào niềm tự  kiêu vì họ sợ phải đối diện sự thật về chính mình. Khi một thể chế chân chính biến chất trở thành một chế độ cầm quyền bất xứng, lỗi ở ai? do quần chúng thờ ơ chấp nhận ? hay do cán bộ các cấp biết khôn khéo giữ thân ? hay do những người lãnh đạo gian ngoan biết cách giữ quyền ?

- Bạn cứ cho biết giá. Tôi không thể chấp nhận nửa phần sự thật. Tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được toàn bộ sự thật! 

- Giá phải trả là sự an toàn trong chính tư tưởng của bạn.


(phần tiếp: Cơn bão trong tách trà - Hòa Đồng)  




Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1