Ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông: Chuyện cũ, ý nghĩa mới - Dân Làm Báo 1

Ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông: Chuyện cũ, ý nghĩa mới

Nguyễn Văn Tuấn - Cách đây đúng 40 năm một chính khách miền Nam tên là Nguyễn Văn Bông bị ám sát chết.  Khoảng 10 năm trước câu chuyện ông bị ám sát được tiết lộ, và nay câu chuyện đó được tiết lộ một lần nữa trên Dân Việt qua lời thuật của chính người chủ mưu (“Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn”). Đặt trong bối cảnh ngày nay khi Việt Nam đang chống khủng bố, câu chuyện này thật là ... khó nuốt (hay nói theo tiếng Anh là distasteful). Khó hiểu nổi tại sao báo chí Việt Nam có vẻ thích ca ngợi những chuyện bạo động như thế này.

Ngày 30/4/2011 có đến hai bài báo đáng chú ý.  Bài thứ nhất là “Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” đăng trên Dân Trí kể về chuyện mưu sát ông Nguyễn Văn Thiệu.  Nhưng bài đó không “nổi” bằng bài Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” đăng trên Dân Việt kể lại tình tiết chung quanh việc giết chết Giáo sư Nguyễn Văn Bông.  Ngày mà nói theo nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là có triệu người vui bên cạnh triệu người buồn mà có những bài báo mang tính bạo động, chết chóc như thế thì quả là khó đọc, nhất là trong lúc Việt Nam đang chống khủng bố. Nhưng bài báo thứ hai khơi dậy lịch sử của một thời đầy biến động ở miền Nam có liên quan đến nhân vật Nguyễn Văn Bông.

user posted image
GS. Nguyễn Văn Bông (1929-1971)

Có lẽ cần phải có vài dòng về thân thế của ông Nguyễn Văn Bông.  Ngày xưa, khi tôi lớn lên thì chỉ nghe nhiều về ông, chứ chẳng biết chi tiết thân thế ra sao, nên bây giờ phải nhờ đến wikipedia vậy.  Theo wikipedia, ông sinh ngày 2/6/1929 tại Gò Công (Tiền Giang) trong một gia đình lao động. Ông nổi tiếng là một học sinh học giỏi và tự lập.  Năm 12 tuổi đã tự làm những nghề như sửa xe đạp, phụ đánh máy, quét dọn trường học để kiếm tiền đi học (vì cha mẹ li dị).  Ông tự đi du học bên Pháp, tốt nghiệp với bằng tú tài, cử nhân luật từ Đại học Sorbonne (1956), tiến sĩ chính trị học (1960), thạc sĩ công pháp quốc tế (1962). Ông về nước dạy học, và sau này giữ chức viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh (thời ông Thiệu). Cuối năm 1968 ông làm chính trị, thành lập Phong trào Quốc gia cấp tiến, một tổ chức đối lập với chính phủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  Ông bị mưu sát lần đầu vào năm 1968, nhưng đến lần 2 (1971) ông bị ám sát chết lúc mới 42 tuổi.  Gs Nguyễn Văn Bông qua đời để lại vợ mới 30 tuổi, hai trai và một gái.  Sau 1975, vợ ông là Lê Thị Thu Vân, còn gọi là “Cô Út” (người ông gặp ở Paris) bà tái giá với một nhà ngoại giao Mĩ là Lacy Wright, và lấy tên mới là Jackie Bông Wright.  Sau này bà có viết và xuất bản một cuốn sách giống như hồi kí có tựa đề là Autumn Cloud: From Vietnamese War Widow to American Activist (Mây mùa thu: từ một góa phụ chiến tranh đến một người hoạt động xã hội).

Lúc mới nghe tin ông bị ám sát, phu nhân ông là bà Thu Vân tố cáo thủ tướng Trần Thiện Khiêm là thủ phạm giết hại chồng bà. Lời tố cáo này xuất phát từ suy luận rằng Gs Nguyễn Văn Bông đã nhận lời làm thủ tướng trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu (và thế là ngăn chận bước đường công danh của ông Trần Thiện Khiêm – người sau này là thủ tướng).  Thế nhưng bà Thu Vân đã sai.  Người ám sát Gs Nguyễn Văn Bông là ônng Vũ Quang Hùng, tức tác giả bài viết dưới đây.  Ông Vũ Quang Hùng, theo như một nguồn tin, lúc đó là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Sài Gòn (tức Đại học Khoa học Tự nhiên ngày nay) và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4.  Còn người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu như trong bài báo tường thuật là trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4.  Nhưng chi tiết về cuộc ám sát thì chỉ mới tiết lộ gần đây, nhất là qua bài báo tuần này.  Theo lời kể trên Dân Việt thì hai người trinh sát giết ông bằng cách ném cái cặp da chứa chất nổ và lựu đạn dưới gầm xe của ông đang ngừng tại đèn đỏ ngã tư cao Thắng – Phan Thanh Giản.  Giáo sư Nguyễn Văn Bông chết tại chỗ cùng những người thân cận ông (3 vệ sĩ và 1 tài xế).

Không thấy trong bài viết tại sao người ta phải giết một vị trí thức như thế.  Trong bài báo trên Dân Việt, những lí do đưa ra để hạ sát ông (như có uy tín lớn, tranh đấu cho chính quyền dân sự) không thấy thuyết phục chút nào, mà chỉ có những lời kể về kế hoạch thủ tiêu ông.  Không biết các bạn thì sao, chứ tôi đọc bài này dù chỉ là muốn tò mò tìm hiểu nhưng vẫn thấy nói theo tiếng Anh là distasteful quá.  Người đọc thử đặt mình trong vai trò con hay bà con của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người đọc sẽ nghĩ gì?  Cướp đi sinh mạng của một người là một hành động khó mà ca ngợi được, huống chi đây là một việc giết người có toan tính cẩn thận.

Câu chuyện ám sát Gs Nguyễn Văn Bông làm tôi nhớ đến chuyện ám sát dân biểu John Newman ở Sydney.  Câu chuyện hơi dài, nhưng tôi tóm tắt theo cách hiểu của tôi.  Ông Ngô Cảnh Phương (sinh năm 1954) là một người Việt tị nạn ở Úc, sau một thời gian làm ăn, ông cũng khá thành công và có tiền.  Ông tham gia chính trường địa phương, trở thành đảng viên của Đảng Lao Động, và có ý định ra tranh cử dân biểu.  Đối thủ của ông là John Newman (một di dân từ Đông Âu), đương kim dân biểu, cũng là người của Đảng Lao Động.  Hai người không ưa nhau.  Nhưng ông Ngô Cảnh Phương có xu hướng thắng thế hơn Newman, và vì thế ông Newman rất sợ mất ghế.  Đêm 5/9/1994, John Newman bị bắn chết tại nhà sau khi tham dự một phiên họp của chi bộ đảng Lao Động, trở về. Cảnh sát nghi ông Ngô cảnh Phương lúc đó là nghị viên của Hội Đồng Thành Phố Fairfield (nghị viên cũng giống như chức hội đồng huyện vậy) là người chủ mưu cuộc ám sát.  Sau nhiều điều tra, tốn rất nhiều tiền, đến ngày 13/3/1998, cảnh sát bắt ông Phương và hai người khác là Đào Quang và Trần Văn Tuấn.  Sau đó là một loạt phiên tòa với nhiều tình tiết bất thường, ngày 29/6/2001 ông bị tuyên án tù chung thân vì tội mưu sát, nhưng Đào Quang và Trần Văn Tuấn thì được tha bổng  Cần nói thêm rằng, cảnh sát không hề tìm được bằng chứng để kết tội ông Phương, họ chỉ kết tội ông mưu sát, còn kẻ cầm súng bắn thì cho đến nay vẫn chưa biết là ai!  Năm 2004, nhiều người Úc bênh ông Phương trưng bày bằng chứng và đòi hỏi phải xử lại, nhưng tòa vẫn kết án ông Phương.  Đến năm 2008, những người Úc ủng hộ ông Phương một lần nữa đệ đơn kháng án, và tòa lại phải xử tiếp, và đến năm 2009 thì vẫn y án.  Câu chuyện cho thấy ở Úc (hay bất cứ một nước nào có luật pháp nghiêm chỉnh cũng vậy) giết người hay mưu sát là một tội rất nghiêm trọng.  Không thể biện minh việc mưu sát bằng lập luận đối lập chính trị.

Chính trường Việt Nam thì có rất nhiều vụ mưu sát và ám sát.  Cả hai phe đều dính dáng vào những hành động giết người.  Cơ quan tình báo CIA cũng thế.  Nhưng có cái khác là CIA thì giữ kín mít những chi tiết giết người của họ, còn Việt Nam thì có vẻ “vô tư” công bố những tình tiết giết người!  Đạo đức làm người không cho ai gây hại đến người khác huống chi là giết người.  Đọc qua lời kể trên Dân Việt của người chủ mưu, chúng ta dễ dàng thấy đội ám sát lên kế hoạch rất kĩ, chính xác đến từng giây phút.  Tính chính xác của họ thật đáng nể.  Nhưng chỉ có điều tính chính xác đó đáng lẽ nên phục vụ cho khoa học thì tốt hơn là để cướp đi sinh mạng của một người trí thức.

Ở nước ta có một nghịch lí: những sự kiện đáng được bạch hóa nhưng lại không được; ngược lại có những sự kiện không cần bạch hóa (vì rất dễ làm đau lòng nhiều người) nhưng lại được bạch hóa như là một cách xưng tụng!  Có những điều nên để cho đi vào quên lãng chứ không nên nhắc đi nhắc lại như là một kì tích.  Khơi lại sự việc ám hại người chỉ làm đau lòng thân nhân của người kém may mắn.  Người bị sát hại đã về bên kia thế giới, và người sát hại cũng chắc qua tuổi lục tuần và gần đất xa trời, tức ở độ tuổi bao dung hơn.  Chỉ hi vọng những tình tiết giết người như thế không còn xuất hiện trên báo chí nữa.  Một khi sát hại được dùng như là một phương tiện để đạt được mục tiêu, thì mục tiêu đó chẳng có gì là cao cả.

NVT

Nguồn :  NguyenVanTuan.net

Giáo sư Nguyễn Văn Bông qua lời kể của tác giả Trần Văn Chi

Những ai may mắn gần gũi với Nguyễn Văn Bông chắc còn nhớ lúc mới về Sài Gòn, còn ở tạm tại một khách sạn nhỏ trên đường Kỳ Ðồng, ông thạc sĩ độc thân, đẹp trai hồn nhiên mặc chiếc áo thun rách 3 lỗ ra tiếp đón bà con bạn bè đến mừng! Nguyễn Văn Bông mộc mạc, thiệt thà, đơn giản, là con người “trước sao, sau vậy”. Rồi ông được mời giảng dạy chánh thức tại đại Học Luật Khoa Saigon, đến 15 Tháng Mười Một năm 1964 được cử làm viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Nguyễn Văn Bông vẫn vậy.

Ðối diện với ông trên bộ ghế salon bằng gỗ cũ kỹ tại căn nhà của ông do nhà nước cấp, trước trường Nữ Trung Học Gia Long vào thập niên 70, tôi nói chuyện với ông như người anh em, người đồng hương, người “bạn tri kỷ”, dầu tôi với ông cách biệt tuổi tác và địa vị.

Ðó là cái lớn của Nguyễn Văn Bông mà tôi ít tìm thấy nơi những tri thức cũng như chánh khách mà tôi hân hạnh tiếp xúc lúc bấy giờ.

Làm viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo những con người lãnh đạo đất nước, những ông chủ quận, chủ tỉnh, quan chức cao cấp... nhưng Nguyễn Văn Bông không coi mình là quan chức. Ông trước sau chỉ là người thầy, người anh, người bạn với mọi người kể cả học trò của ông.

Ông Nguyễn Văn Bông từ Pháp về nước lúc tình hình chánh trị ở miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ xáo trộn: 18 trí thức nhóm Tự Do Tiến Bộ bị đàn áp, do ngày 26 Tháng Tư năm 1960 nhóm này cho phổ biến tuyên ngôn yêu cầu chánh phủ cải tổ; Phật Giáo chống lại chánh sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm lên cao điểm với vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tại ngã tư Lê Văn Duyệt- Phan Ðình Phùng lúc 11 giữa trưa ngày 11 Tháng Sáu năm 1963...

Nguyễn Văn Bông dầu được chánh quyền mời về, nhưng ông không e dè đăng đàn thuyết trình đề tài “Ðối lập chánh trị trong chế độ dân chủ” ngày 1 Tháng Tám năm 1963, nhân buổi lễ khai giảng năm học, trước cử tọa gồm viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư cùng hàng ngàn sinh viên. Không kể nội dung bài thuyết trình, thái độ của người thầy Nguyễn Văn Bông đã làm cho sinh viên cùng đồng sự của ông nể trọng, kính phục. Ðó là đức độ kẻ sĩ. Và mấy ai làm được?

Ông không chọn thái độ ở ẩn như Phan Văn Trị, từ quan như Vũ Văn Mẫu. Lối xuất sử của Nguyễn Văn Bông làm cho ông trở thành con người nổi trội bấy giờ.

Sau Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, ông đảm nhận các chức vụ viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cố vấn cho Tối Cao Pháp Viện, ủy viên Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Tới lúc này ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông vẫn thường về quê, tìm món khô “hắc cấy”, món ngon đặc sản Vàm Láng của ông. Nghe ông thích thú kể chuyện con hắc cấy, chuyện làm gỏi da cá đuối mà tưởng chừng đang nói chuyện với lão nông, hay người đánh cá. Cung cách Nguyễn Văn Bông đã thâu hút mọi người và làm mọi người đến với ông. Rồi ông được mời hoạt động, làm chánh trị, bởi anh em thấy ở ông cái đức độ của con người lãnh tụ thật sư, có tấm lòng, có cái Tâm. Ông làm chánh trị như nhà tu hành thiền.

***

Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn

(Dân Việt) - Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ.

NTNN trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Quang Hùng - người đã theo dõi, lên phương án tấn công và trực tiếp dự trận đánh này.

Vào cuộc

Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong đội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Điệp) làm đội trưởng. Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi).

Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam - Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.

Giáo sư Nguyễn Văn Bông là thạc sĩ công pháp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp tại Pháp, đang nắm chức Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, đồng thời là Chủ tịch Phong trào Cấp tiến, một tổ chức chính trị chống cộng.

Tôi quyết định tự mình trinh sát mục tiêu, đề ra phương án hành động. Mặt khác, tôi chuẩn bị vũ khí để thực hiện trận đánh.

Sau khoảng nửa tháng bám sát mục tiêu, tôi hầu như nắm chắc quy luật đi lại của G.33: Buổi sáng ra khỏi nhà hơi thất thường, có khi không tới chỗ làm. Nhưng hễ đã vô Học viện Quốc gia Hành chính là thế nào ông ta cũng rời Học viện lúc 11 giờ 45 để trở về nhà. Lộ trình từ Học viện về nhà cũng không bao giờ thay đổi: Theo đường Trần Quốc Toản (nay là 3.2), quẹo phải qua Cao Thắng, đến ngã tư Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) thì rẽ trái.

Tôi cũng nói thêm về việc bảo vệ ông Bông vào thời gian này. Ông di chuyển trên xe hơi Ford Falcon màu đen. Ngồi trên xe hơi luôn có một cận vệ. Chạy theo bảo vệ xe hơi của ông thoạt đầu có hai xe gắn máy, nhưng từ sau khi báo chí đăng tin ông có thể lên nắm chức thủ tướng, số xe gắn máy tăng lên từ ba tới bốn chiếc, mỗi xe đều chở đôi.

Đầu tháng 11.1971. Tôi trình bày vắn tắt ba phương án hành động rồi gửi về căn cứ đặt tại An Phước, Bến Tre. Đã đến lúc tìm người cụ thể bắt tay hành động. Tôi gặp Năm Tiến - đội phó S1, trao đổi tình hình và yêu cầu, hỏi anh ta có dám “vào trận” hay không, tuy vẫn chưa cho biết đối tượng cũng như phương án tấn công nhằm bảo đảm bí mật. Năm Tiến hăng hái nhận lời, nói Tư Xá, một trinh sát trong đội, cũng đang nóng lòng chờ xuất quân.

Cũng cần nói thêm, lúc này tôi đã có 6 trái lựu đạn “da láng”, thêm khẩu Colt 45. Cho nên, trong thư gửi về căn cứ tôi viết nếu chấp nhận phương án ba (ném lựu đạn, mìn DH vào xe của G.33 tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản) và chỉ cần gửi cho tôi trái DH khoảng 5kg.

Trên nhất trí duyệt phương án 3 đồng ý cả đề xuất nhân sự, hẹn tôi ngày, giờ cụ thể đón giao liên để nhận mìn định hướng.

Tình huống ngoài dự kiến

Tôi cũng tính toán thật chính xác thời gian khoảng từ khi tháo chốt đến khi lựu đạn nổ, thừa đủ thời gian cho trinh sát thoát thân. Vậy là trong óc tôi hình thành cách cấu tạo khối chất nổ: Vì trinh sát hóa trang làm sinh viên nên sẽ hết sức tiện lợi khi mang theo cặp da, trong đó chứa vừa lựu đạn, vừa trái DH. Tôi quyết định luôn “ngày D” để báo cáo về căn cứ: Đó là ngày 9.11.

Vừa nhận trái DH từ căn cứ gửi lên, tôi mua ngay một cặp da và cuộn dây kẽm, mang về gác trọ bắt tay vào việc. Ba lựu đạn da láng cùng trái DH gọn gàng nằm trong cặp. Tuy đã dùng nhiều sợi dây thun cột càng lựu đạn, tôi vẫn chỉ tháo bỏ chốt chính, và dự định khi trao cho Năm Tiến, tôi sẽ dặn kỹ anh ta chỉ kéo bỏ chốt phụ ngay trước giờ hành động. Riêng trái lựu đạn dùng làm “ngòi”, tôi chỉ thay chốt phụ bằng cọng dây kẽm, chốt chính vẫn giữ lại, và việc này cũng phải chờ đến phút chót.

Đến ngày 8 tôi mới nói với Năm Tiến đối tượng cần tấn công cũng như toàn bộ kế hoạch. Cặp da chứa chất nổ và khẩu Colt 45, tôi sẽ trao cho Năm Tiến vào 9 giờ sáng ngày hôm sau, vừa đủ thời gian để anh và Tư Xá kiểm tra kết cấu chất nổ và cách sử dụng. Tôi hẹn gặp Năm Tiến tại một quán cà phê, rồi mới đưa anh ta tới địa điểm cất giấu vũ khí. Tiếp theo Năm Tiến sẽ gặp Tư Xá trao đổi lại toàn bộ sự việc và liền đó hai người bắt tay làm nhiệm vụ… Nhưng thật bất ngờ, vào phút chót Năm Tiến báo tin Tư Xá xin rút, và cả anh ta cũng rút luôn vì không mấy tin tưởng thành công của trận đánh.

Lúc này lòng tôi rối bời. Các đồng chí trong căn cứ sẽ nghĩ sao? Kế hoạch đã lên nay không thực hiện, không lẽ chỉ là một ý nghĩ viển vông, lý thuyết suông? Nếu không nhanh chóng thực hiện phương án, qua ít ngày nữa, ông Bông lên nắm chức thủ tướng, khi ấy nếu muốn diệt mục tiêu chắc chắn phải trở lại từ đầu, kể cả khâu trinh sát.

Lúc này tôi không có ai để bàn bạc, tham khảo ý kiến, mà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cuối cùng tôi quyết định tiếp tục hành động. Vấn đề là tìm người thực hiện cụ thể.

Trong đội trinh sát S1 thực tế tôi chỉ còn lại Châu. Nguyên là sĩ quan quân đội, đương nhiên Châu quen với lựu đạn, súng. Và đây là điều hết sức thuận lợi nếu anh ta làm trinh sát số hai – người quăng chất nổ.

Còn trinh sát số một – người chạy xe gắn máy chở trinh sát ném lựu đạn? Phải thành thực nhận định, không ai thuận lợi bằng tôi: Biết rành cũng như nắm vững quy luật đi lại của đối tượng; và hơn hết, đã quen với con hẻm dẫn ra khỏi hiện trường. Vả lại, tôi cũng không thể tìm đâu ra người trong thời gian cấp bách.

Tôi lập tức tìm gặp Châu. Rút kinh nghiệm Năm Tiến, tôi chưa vội trao đổi cụ thể với Châu, mà chỉ hỏi anh dám tham gia một trận đánh tại nội thành có thể nguy hiểm đến tính mạng hay không? Tôi nhớ Châu chỉ hỏi lại ngoài anh ta ra còn ai cùng dự trận, và khi tôi trả lời còn một người nữa là tôi, anh đồng ý ngay. Tôi hẹn sáng ngày mai, lúc 10 giờ trưa, sẽ gặp lại anh giao nhiệm vụ và vũ khí cùng lúc, để thực hiện luôn vào buổi trưa cùng ngày…

Đúng 10 giờ sáng hôm sau, ngày 10.11.1971, tôi chở Châu đến nơi cất giấu vũ khí. Tại đây, tôi kể lại toàn bộ tình hình cho Châu nghe, từ chỉ thị của cấp trên, việc trinh sát đối tượng, phương án đánh, đến vũ khí sử dụng. Chỉ đến khi Châu hỏi “vậy vũ khí đâu?”, tôi mới lôi cặp da ra.

Tôi mở cặp da, để Châu tận mắt thấy trái mìn DH và 3 lựu đạn da láng, trong đó 2 đã được rút chốt chính và cột bằng dây thun, trái thứ 3 còn nguyên chốt chính trong khi chốt phụ đã được thay bằng cọng dây kẽm và đầu kia của dây kẽm xuyên qua cặp da, cột vào quai xách.

Còn khẩu Colt 45, tôi giắt vào bụng mình để Châu không bị trở ngại khi hành động và khi chạy, dặn vạn bất đắc dĩ Châu mới thọc tay vào bụng tôi, rút ra sử dụng.

11 giờ 15, tôi chở Châu lên đường. 11 giờ 25, tôi tấp xe vào quán nước đối diện Học viện. Còn Châu xách cặp làm bộ đứng chờ xe buýt tại trạm gần quán.

11 giờ 40, tôi trả tiền. Đúng 11 giờ 45, phía trong Học viện có bóng người chuyển động về hướng xe hơi. Dù cố trấn tĩnh, tim tôi vẫn đập rộn ràng. Tôi lập tức rời quán, lên Honda, nổ máy, chạy chầm chậm. Châu đã thấy tôi, bước đến sát mé đường. Ba-ri-e ngoài cổng Học viện hạ xuống, chiếc Ford Falcon lao ra rất nhanh, đến nỗi tôi vừa dừng xe đón Châu thì xe hơi đã quẹo ra đường Trần Quốc Toản; và khi Châu lên ngồi trên yên sau Honda thì xe hơi đã vượt qua xe tôi, 3 xe gắn máy chở đôi bám theo.

Không hiểu sao lúc này tôi lại tự nhiên hết hồi hộp mà thanh thản một cách kỳ lạ. Tôi tự nhủ không nên chạy sau xe Ford Falcon, vì có thể sẽ bị đám cận vệ phát hiện, nên tăng ga. Chiếc Honda 67 lướt rất êm, vừa tới ngã ba Cao Thắng đã qua mặt xe hơi.

Honda vẫn chạy trước xe hơi khoảng 5-6m, và cách ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản chừng 15m thì đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ. Tôi dừng Honda để Châu bước xuống, còn tôi vòng Honda qua bên kia đường, đầu xe nhắm ngay con hẻm, gài số một. Phía trước mặt tôi, hơi chếch về bên mặt, là tấm kiếng lớn của một xe hủ tíu-mì. Tôi quan sát phía sau qua tấm kiếng lớn này.

Châu vừa xuống xe thì chiếc Ford Falcon cũng vừa ngừng. Châu tấp vô lề, vòng ra phía sau xe hơi, quăng cặp da xuống ngay gầm xe bên phải, rồi nhanh như chớp, chạy băng qua đường. Đúng lúc Châu chuẩn bị nhảy lên ngồi trên yên Honda thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cùng với cột lửa khói vụt bốc lên cao từ chiếc Ford Falcon. Một làn hơi mạnh thổi tạt đến tận chỗ tôi vừa lúc Châu tót lên yên và tôi lập tức siết tay ga, nhả tay côn hết sức nhịp nhàng. Chiếc Honda như muốn cất cao đầu, lao nhanh vào con hẻm…

Khoảng nửa giờ sau ngồi trong gác trọ, nghe Đài Phát thanh Sài Gòn thông báo Giáo sư Bông đã bị ám sát, chết tại chỗ, tôi mới trấn tĩnh trở lại…

Vũ Quang Hùng

http://www.danviet.vn/41332p1c24/toi-am-sat-nguoi-sap-lam-thu-tuong-sai-gon.htm



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1