Thể chế và Thành tích - Dân Làm Báo 1

Thể chế và Thành tích

Bất kỳ nhà nước hay hệ thống chính trị nào cũng phải trả lời câu hỏi làm thế nào để phát triển hay làm thế nào để giảm thiểu rủi ro trong tiến trình phát triển. Trong quá trình đi tìm lời giải cho câu hỏi này, càng ngày người ta càng nhận ra vai trò của thể chế đối với phát triển, nghĩa là, một thể chế tốt sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển và tăng cường chất lượng phát triển; ngược lại, một thể chế bất hợp lý sẽ kìm hãm tốc độ phát triển và làm suy thoái chất lượng phát triển.

Đây quả thực là một vấn đề lớn, phức tạp và do đó, không thể gói gọn trong một bài viết. Với cách tiếp cận như vậy, trong bài viết này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc làm rõ hơn vai trò của thể chế đối với phát triển thông qua việc phân tích cặp phạm trù thể chế và thành tích.

Thể chế, thành tích và những khía cạnh biện chứng

Thể chế là một khái niệm phức tạp và được xem xét dưới những góc độ khác nhau. Định nghĩa kinh điển nhất được đưa ra bởi nhà kinh tế học người Đức - Adolph Wagner - cho rằng "Thể chế là các khế ước, các hợp đồng và luật lệ thành văn đang cai quản đời sống và con người ". Douglass Cecil North, người được giải Nobel với công trình nghiên cứu “Kinh tế và Thể chế" năm 1993, cho rằng 'Thể chế là những giới hạn được vạch ra trong phạm vi khả năng và hiểu biết của con người hình thành nên mối quan hệ qua lại của con người". Đầu thế kỷ XX, ở phương Tây xuất hiện một khuynh hướng chính trị mới - khuynh hướng chủ nghĩa thể chế - quan niệm thể chế là bất kỳ liên hiệp bền vững nào của con người nhằm đạt được mục đích nhất định nào đó.

Quan niệm này tương đối giống với cách hiểu của Ngân hàng thế giới về thể chế, cho rằng thể chế bao hàm ba nội dung quan trọng nhất, đó là luật chơi, cơ chế thực thi và tổ chức. Chúng tôi cho rằng, thể chế là tập hợp các quy tắc điều chỉnh xã hội và là kết quả của những thỏa thuận xã hội. Thể chế, do đó, mang tính bản chất và là một đối tượng có tính sở hữu rõ ràng; nó thể hiện một cách sâu sắc khuynh hướng chính trị mà đảng cầm quyền đã lựa chọn.

Khác với thể chế, thành tích chỉ là hiện tượng; nó là một đối tượng ngẫu nhiên, không có tính sở hữu rõ ràng và vì thế, rất dễ bị "chiếm dụng". Trong rất nhiều trường hợp, thành tích là những thành tựu mà xã hội đạt được. Tuy nhiên, nhà cầm quyền có khuynh hướng coi những thành tựu đó là thành tích chính trị, hay thành tích của hoạt động cầm quyền của mình và lấy đó làm lý do để trì hoãn việc xây dựng hoặc cải cách thể chế. Điều này làm nên cái gọi là chủ nghĩa thành tích.

Xét theo logic thông thường, một thể chế tốt sẽ tạo ra thành tích và một thể chế bất hợp lý sẽ không tạo ra thành tích. Tuy nhiên, trên thực tế, một số thể chế bất hợp lý vẫn tạo ra thành tích; trong trường hợp này, thành tích thuộc về xã hội. Đôi khi, nhà cầm quyền còn có khuynh hướng tạo ra thành tích bằng mọi giá, làm nên cái mà chúng ta gọi là sự phát triển bằng mọi giá - luận điểm này sẽ được phân tích kỹ hơn trong phần sau của bài viết. Mối quan hệ biện chứng giữa thể chế và thành tích còn thể hiện ở chỗ chủ nghĩa thành tích bảo trợ sự tồn tại của các lực lượng kìm hãm tiến trình cải cách thể chế. Nói cách khác, khi nào thể chế trở nên bế tắc thì người ta sẽ dùng thành tích để che đậy sự bế tắc đó. Ngược lại, chất lượng của thể chế phản ánh trình độ chính trị, bản chất chính trị của quốc gia và đó cũng là cơ sở để xã hội quyết định lựa chọn hoặc không lựa chọn nhà cầm quyền. Xã hội không thể lựa chọn các tập đoàn chính trị bằng thành tích chính trị mà phải bằng bản chất chính trị. Bản chất chính trị của nhà cầm quyền được thể hiện thông qua thể chế mà nhà cầm quyền xây dựng. Đương nhiên, một thể chế tốt chắc chắn sẽ xúc tiến sự phát triển; nó khuyến khích sự sáng suất chính trị với tư cách là nguồn gốc của mọi thành tựu trong quá trình lãnh đạo. Đó chính là mối quan hệ biện chứng giữa thành tích và thể chế. Càng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thể chế, càng phải chống lại khuynh hướng sử dụng thành tích để hợp pháp hóa những mặt lạc hậu về thể chế và ở một mức độ cao hơn nữa là chống lại việc sử dụng các thành tích như là công cụ duy nhất để hợp pháp hóa sự cầm quyền của các nhà chính trị; nếu không, nhân loại sẽ phải đối mặt với những rủi ro trong quá trình phát triển của mình.

Đến đây, một số người có thể đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa thành tích chính trị của các nhà nước dân chủ và thành tích chính trị của các nhà nước phi dân chủ, bởi bất kỳ thể chế nào cũng chỉ được coi là có tác dụng tích cực đối với tiến trình phát triển khi nó đạt được những thành tựu nhất định. Thực ra, ở các nhà nước dân chủ, người ta không chú trọng đến thành tích chính trị mà đến sự sáng suốt chính trị. Do đó, cái mà chúng ta cần làm rõ là phân tích sự khác nhau giữa hai khái niệm thành tích chính trị và sự sáng suất chính trị.

Thành tích chính trị là những thành công hay thành tựu trong quá trình nắm giữ cương vị của nhà chính trị, còn sự sáng suất chính trị là một phẩm chất cần phải có của bất kỳ nhà chính trị nào, nhất là những người đang cầm quyền hoặc có tham vọng cầm quyền. Thiếu sự sáng suốt chính trị, nhà chính trị, trên tư cách người vạch ra chiến lược phát triển, sẽ buộc cả đất nước mình phải đối diện với những rủi ro không lường được. Đương nhiên, nếu có sự sáng suốt chính trị, nhà chính trị sẽ có nhiều cơ hột thành công trong việc điều hành đất nước. Tuy nhiên, thành tích chính trị không phải luôn là kết quả của sự sáng suốt chính trị. Như đã phân tích trong phần đầu, đôi khi, các thành tích hoàn toàn mang tính chất ngẫu nhiên và đối với các nhà nước phi dân chủ, thành tích chính trị còn bị lạm dụng để hợp pháp hóa địa vị cầm quyền. Trong trường hợp như vậy, thành tích chính trị không phải là biểu hiện của phát triển mà thậm chí, còn là dấu hiệu của các rủi ro. Mặt khác, chỉ các nhà chính trị đã hoặc đang cầm quyền mới có thành tích chính trị, còn các nhà chính trị chưa cầm quyền thì chỉ có sự sáng suốt chính trị. Do đó, ở các nhà nước phi dân chủ, các cuộc bầu cử thường là những cuộc chạy đua thành tích chính trị. Khác với các nhà nước phi dân chủ, ở những nhà nước dân chủ, bao giờ thành tích chính trị cũng được kiểm chứng bởi sự sáng suốt chính trị. Tuy nhiên, so sánh giữa thành tích chính trị với sự sáng suốt chính trị là một so sánh khập khiễng. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý của phép so sánh này, các nhà chính trị đương nhiệm phải chọn lọc những yếu tố sáng suốt trong các thành tích chính trị của mình, lý giải chúng bằng sự sáng suốt chính trị để thuyết phục nhân dân và so sánh với sự sáng suốt của đối thủ. Một trong những điểm ưu việt của nền dân chủ là nó luôn luôn khích lệ sự sáng suốt chính trị thay vì mặc nhiên hoặc cưỡng ép nhân dân công nhận các thành tích chính trị. Vì thế, nếu sự sáng suốt chính trị là căn cứ để nhân dân lựa chọn các nhà chính trị, thì xã hội sẽ không ngừng phát triển.

Ngược lại, nếu thành tích chính trị là căn cứ để lựa chọn thì xã hội ấy sẽ luôn ở trong trạng thái khủng hoảng, bởi các nhà chính trị sẽ tìm kiếm thành tích bằng mọi cách, bất chấp rủi ro và do đó, biến quá trình phát triển trở thành một hiện tượng không thể dự báo.

Chủ nghĩa thành tích và những hậu quả của nó

Một cách tiếp cận khác đối với chủ nghĩa thành tích

Một số học thuyết chỉ ra rằng nhu cầu được tôn trọng gần như là nhu cầu ở mức cao nhất của con người và do đó, phấn đấu để có thành tích, xét về mặt bản chất là phấn đấu để được người khác tôn trọng. Với ý nghĩa như vậy, liệu tâm lý thành tích có phải là một hiện tượng khách quan và có những ảnh hưởng tích cực hay không?

Chúng tôi cho rằng, để trả lời câu hỏi này, cần phải làm rõ ranh giới giữa sự lành mạnh và không lành mạnh của tâm lý thành tích. Nếu con người không có khát vọng về thành tích thì sẽ không có mục tiêu. Việc con người tạo ra thành tích để minh chứng là mình đi đến mục tiêu, hoàn toàn khác với chủ nghĩa thành tích. Mặt khác, thành tích mà con người tạo ra bởi những nhận thức hay những khát vọng của mình, không giống với việc lấy thành tích của người khác làm thành tích của mình - đó chính là ranh giới giữa sự lành mạnh và không lành mạnh của tâm lý thành tích.

Bên cạnh đó, tính lành mạnh của tâm lý thành tích còn được quy định bởi động cơ tạo ra thành tích. Nếu động cơ không hợp lý thì sẽ tạo ra một sự vô lý và khi hiện thực hóa một sự vô lý thì chúng ta sẽ phải làm thêm một công đoạn nữa là loại bỏ sự vô lý đó ra khỏi cuộc sống. Con người không có lý tưởng, thì không có giá trị, nhưng nếu đeo đuổi một lý tưởng sai thì còn nguy hiểm hơn. Trên thực tế, rất nhiều lý tưởng đã mất uy tín bởi chúng bị khai thác sai. Và khi con người không còn khả năng chịu đựng hơn nữa hậu quả từ việc khai thác một cách sai lầm những lý tưởng thì họ thay thế chủ nghĩa lý tưởng bằng chủ nghĩa thực dụng. Người ta tưởng rằng chủ nghĩa thực dụng là ưu việt, là tốt đẹp nhưng chủ nghĩa thực dụng chỉ tốt đẹp hơn chủ nghĩa lý tưởng sai lầm. Chủ nghĩa lý tưởng của thời đại chúng ta chính là tự do và dân chủ. Tự do và dân chủ làm cho con người cũng như xã hội tự cân bằng. Khi con người tự cân bằng thì sẽ không còn các sai lầm cá nhân. Theo chuỗi logic này, khi xã hội tự cân bằng thì sẽ không còn những sai lầm mang tính cộng đồng, hay nói cách khác là nó sẽ tự khắc phục những sai lầm mang tính cộng đồng.

Trong một xã hội mà thể chế tạo ra hai năng lực song song như vậy thì xã hội tự khắc phục những sai lầm của xã hội, cá nhân tự khắc phục những mặt cực đoan của mình và đó chính là một xã hội lành mạnh.

Hơn nữa, tâm lý thành tích sẽ trở thành một yếu tố tích cực nếu nó là sản phẩm của các khuynh hướng tiến bộ, đặc biệt là những khuynh hướng đảm bảo tính cân đối giữa chính trị và triết học. Nếu khát vọng của con người không cân đối thì không thể tạo ra sản phẩm có chất lượng thẩm mỹ hay lý tưởng được. Nếu tưởng tượng sai thì sẽ tạo ra sản phẩm sai và nếu tạo ra sản phẩm sai bằng mọi giá thì sẽ tạo ra sự phá hoại; tuy nhiên, không có lý tưởng thì không còn là con người và không có sự phát triển. Vấn đề đặt ra là chất lượng tưởng tượng hay chất lượng tinh thần của con người khi tạo ra các thành tích.

Tuy nhiên, không phải yếu tố khách quan nào cũng đúng đắn và lành mạnh. Một sai lầm trong trí tưởng tượng, nếu không được ngăn chặn, sẽ trở thành sai lầm có thể đó được. Đó là quá trình chuyển hóa những sai lầm từ nhận thức trở thành những sai lầm mang tính chất thực thể. Con người nghĩ sai thì sẽ hành động sai, tạo ra một thực thể sai hay một sản phẩm sai. Quá trình hiện thực hóa các suy tưởng sai lầm của con người là quá trình tiêu cực của đời sống xã hội. Quá trình này song song với quá trình tạo ra cái đúng và thậm chí còn mạnh mẽ hơn quá trình tạo ra cái đúng. Tuy nhiên, cuối cùng, sức mạnh của cái đúng với số lượng ít vẫn khắc phục được cái sai với số lượng lớn; nói cách khác, lượng của những cái sai lớn hơn nhiều lượng của những cái đúng, nhưng chất của cái đúng có khả năng chế ngự lượng những cái sai nên xã hội phát triển một cách cân bằng.

Những di họa của chủ nghĩa thành tích

Bàn về chủ nghĩa thành tích, không ít người đặt câu hỏi tại sao chủ nghĩa thành tích lại có thể tồn tại một cách dai đẳng đến vậy. Chúng tôi cho rằng, trước hết bởi nó là một tâm lý khách quan như chúng ta đã phân tích trong phần trước; sau nữa là bởi những nhận thức phiến diện của nhà cầm quyền về vai trò của thể chế đối với tiến trình phát triển và cuối cùng, bởi các nhà nước không có thành tích trong hiện tại và để chứng minh địa vị cầm quyền hợp pháp của mình, người ta buộc phải sử dụng đến những thành tích chính trị với tư cách là sản phẩm của quá khứ. Chính vì lý do đó, mà một số quốc gia trên thế giới không thể thoát ra khỏi quá khứ của mình. Thật đáng ngạc nhiên khi người ta cố tình không nhận ra rằng, thành tích của những thế hệ cầm quyền trong quá khứ hoàn toàn không có mối liên hệ với sự sáng suốt của những người cầm quyền trong hiện tại và người ta không thể lấy những kinh nghiệm trong quá khứ để thay thế sự sáng suốt chính trị.

Mặt khác, nhà chính trị có nhiệm vụ dẫn dắt xã hội tới những chặng tiếp theo. Do đó, nhà chính trị phải chứng minh khả năng đó bằng sự sáng suốt chính trị hay tính khoa học trong các công cụ dẫn dắt của mình. Tuy nhiên, một số nhà cầm quyền hoặc không có sự sáng suốt chính trị, hoặc không đủ khả năng để thuyết phục nhân dân bằng sự sáng suốt chính trị của mình nên phải viện đến các thành tích chính trị, tạo ra tâm lý săn lùng các thành tích chính trị. Vì những lý do đó, chủ nghĩa thành tích bị sử dụng như một trong những công cụ chính trị để thay thế tính khoa học của quá trình lãnh đạo xã hội. Điều này rất đáng ngại bởi nếu nhà cầm quyền cố tình sử dụng những thành tích đơn lẻ trong các hiện tượng của đời sống để thay thế việc xây dựng và cải cách thể chế, thì xã hội sẽ lâm vào tình trạng không thể dự báo và nhà cầm quyền sẽ không còn năng lực dẫn dắt xã hội.

Sự khác biệt về văn hóa giữa các nhà nước dân chủ và nhà nước phi dân chủ cũng là một yếu tố dẫn đến sự tồn tại dai dẳng và hợp pháp của chủ nghĩa thành tích. Trong khi các nhà nước dân chủ đuổi theo chính mình, thì những nhà nước phi dân chủ lại đuổi theo những người "hàng xóm". Chính điều đó đã góp phần tạo ra khuynh hướng hợp pháp hóa địa vị cầm quyền bằng các thành tích chính trị; đến lượt mình, nó sẽ kéo theo sự chậm

phát triển, sự mất cân đối giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất trong quá trình phát triển và bản thân sự mất cân đối này là rủi ro lớn nhất trong tiến trình phát triển. Nhược điểm lớn nhất của các thể chế phi dân chủ là không xây dựng được hệ tiêu chuẩn về hạnh phúc, nghĩa là những vấn đề về con người không được phân tích và lý giải một cách nghiêm túc. Điều này đã tạo điều kiện cho các nhà nước phi dân chủ sử dụng thành tích chính trị để thay thế tính hợp pháp và hợp lý của thể chế, không nhận ra rằng họ đang phải đối diện với rủi ro lớn nhất trong tiến trình phát triển - đó là sự biến mất của các yếu tố con người hay sự thoái hóa" của đời sống tinh thần. Đó là hậu quả thứ nhất của chủ nghĩa thành tích.

Hậu quả thứ hai của chủ nghĩa thành tích là xúc tiến sự phát triển bằng mọi giá. Hãy lấy Trung Quốc làm ví dụ. Trong khoảng thời gian gán đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển nóng hay sự phát triển không kiểm soát của Trung Quốc. Theo thống kê, Trung Quốc hiện tiêu thụ đến 7% sản lượng dầu mỏ, 31% sản lượng than và 27% sản lượng thép của toàn thế giới.

Năm 2003, Trung Quốc đã thiếu khoảng 10 triệu KW điện và dự đoán, năm 2004, con số đó sẽ là 20 triệu. Những con số này khiến người ta hình dung Trung Quốc tựa như một nồi nấu cao khổng lồ, các chủ đầu tư và nhà sản xuất giống như những người đứng trông nồi cao và biến nó trở thành nơi thiêu đốt phần lớn nguồn năng lượng của nhân loại với tốc độ đáng báo động. Người dân Trung Quốc không hiểu nổi tại sao trước đây các nhà lãnh đạo chủ trương phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng 12%/năm và đến bây giờ, họ lại làm mọi cách để hạ nhiệt nền kinh tế với hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ dừng lại ở con số 8%/năm. Không ít người nhận ra rằng bản thân sự phát triển đã tiềm ẩn trong nó các yếu tố phá hoại. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, do đó, trở thành một rủi ro với toàn thế giới.

Bằng việc chỉ ra hai hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng nhất của chủ nghĩa thành tích, có thể kết luận rằng, chủ nghĩa thành tích chính là nguồn gốc của mọi rủi ro trong tiến trình phát triển. Vấn đề của chúng ta bây giờ là trả lời câu hỏi thể chế nào có khả năng kiểm soát chủ nghĩa thành tích, nói cách khác là kiểm soát những rủi ro trong tiến trình phát triển.

Thể chế nào cho phát triển?

Phải khẳng định thể chế dân chủ là phương thức quản lý duy nhất có thể tạo ra sự phát triển theo đúng nghĩa. Một số người có thể đặt câu hỏi tại sao một số thể chế khác vẫn có khả năng tạo ra sự phát triển. Thiết nghĩ, cần phải có một sự phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm tăng trưởng và phát triển. Tăng trưởng chỉ thuần túy là sự gia tăng vật chất trong khi phát triển là sự hoàn thiện của cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần.

Nhược điểm của những thể chế khác là các yếu tố con người không được tôn trọng; do đó, nó không thể đảm bảo chất lượng của sự phát triển. Những gì mà những thể chế khác tạo ra, vì thế, chỉ là tăng trưởng chứ không phải phát triển, và đến nay, chính họ đang phải trả giá cho điều đó. Chính vì thế mà chúng ta không có bất kỳ một giải pháp nào để kiểm soát rủi ro trong tiến trình phát triển ngoài việc xây dựng thể chế dân chủ trong phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Việc dùng thêm những mỹ từ để miêu tả thể chế dân chủ là không cần thiết, bởi nền dân chủ đã tự nó chứng minh những điểm ưu việt của mình bằng sự phát triển của phương Tây – nơi đã đón nhận những tư tưởng của Monstesquieu, Diderot hay Voltaire về tự do, dân chủ. Trong quan điểm của chúng tôi, sở dĩ nền dân chủ trở thành một trong những giá trị phổ quát của nhân loại là bởi ba lý do: thứ nhất, nó là tiền đề để xây dựng nhà nước pháp quyền, ở nơi đó pháp luật giữ địa vị thống trị; thứ hai, nó biến tiến trình phát triển trở thành một đối tượng hoàn toàn có thể tiên lượng, và thứ ba, nó là không gian duy nhất của những sự sụp đổ hòa bình.

Thể chế dân chủ - Tiền đề để xây dựng nhà nước pháp quyền

Trước tiên, cần phải hiểu thế nào là nhà nước pháp quyền. Một trong những cách hiểu về nhà nước pháp quyền được thừa nhận rộng rãi là một đối tượng được điều chỉnh bởi pháp luật, tức là nhà nước được làm những gì mà pháp luật cho phép, còn người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Một xã hội được coi là lý tưởng khi nó được điều hành bằng pháp luật với bản chất là các khế ước xã hội. Nói cách khác, pháp luật là các quy tắc tối cao chi phối toàn bộ dời sống xã hội. Phải khẳng định rằng, nhà nước dân chủ là nhà nước duy nhất mà pháp luật được coi là các khế ước xã hội, bởi ở đó con người có quyền thảo luận một cách bình đẳng về các quy tắc điều phối cuộc sống của mình.

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa pháp luật của nhà nước dân chủ và pháp luật của các nhà nước phi dân chủ là ở chỗ, pháp luật của nhà nước dân chủ bảo vệ các quyền con người, còn pháp luật của các nhà nước phi dân chủ chỉ bảo vệ quyền của người đại diện, tức là bảo vệ quyền của nhà nước. Việc bảo vệ quyền của người đại diện khác về bản chất so với việc bảo vệ các quyền công dân. Rõ ràng là chỉ khi nào các quyền công dân được bảo đảm thì mới có xã hội dân sự. Xã hội dân sự là biểu hiện bên ngoài của quá trình dân chủ. Chỉ có quá trình dân chủ mới tạo ra được xã hội dân sự và chỉ có xã hội dân sự mới tạo ra được sự yên tĩnh tự nhiên của con người với đầy đủ các quyền thuộc về nó. Trong xã hội dân sự, mọi đối tượng đều được điều chỉnh bởi pháp luật.Nói cách khác, pháp luật là môi trường sống của con người trong xã hội dân sự, ở đó điều kiện tiên quyết là các quyền sở hữu, các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về tự do, về chính trị, về địa vị làm chủ xã hội và chủ sở hữu hệ thống pháp luật. Nếu không làm được như vậy thì không có xã hội dân chủ và càng không có đời sống chính trị phát triển. Đời sống chính trị không phát triển thì con người không được huy động một cách hợp lý và do đó, xã hội sẽ không thể phát triển.

Thể chế dân chủ - Cơ chế kiểm soát rủi ro trong tiến trình phát triển

Phát triển là một hàm số rất phức tạp, nó bao gồm rất nhiều yếu tố như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố lao động, các cộng đồng dân cư và các yếu tố khác như con người, văn hóa, tự nhiên, lịch sử... Các yếu tố ấy phải được tổ chức, phối hợp với nhau để tạo ra thể chế và đến lượt mình, thể chế ấy sẽ tạo ra sự phát triển. Thể chế dân chủ tạo điều kiện bình đẳng cho mỗi cá nhân tham gia vào tiến trình phát triển và biến sự

đóng góp của các cá nhân khác nhau trở thành những tham số mang tính chất dự báo. Cũng chính nó sẽ thẩm định một cách khách quan yếu tố nào hỗ trợ sự phát triển và mỗi yếu tố có thể đóng vai trò tích cực trong bao lâu, hay khi nào thì một yếu tố sẽ dẫn đến rủi ro và tạo ra các chu kỳ cập nhật, thải hồi hợp lý nhằm đảm bảo rằng không có bất kỳ yếu tố nào có thể kìm hãm tiến trình phát triển hoặc làm suy thoái chất lượng phát triển. Có thể nói, bản chất của thể chế dân chủ là tạo ra tính chừng mực hay tính hợp lý của sự phát triển. Tính vô căn cứ của tham vọng chính trị hay nói cách khác, những thành tích chính trị không phải là thước đo tốt để khảo sát tính hợp lý của sự phát triển và chính nó tạo ra tư tưởng phát triển bằng mọi giá nhằm thỏa mãn đòi hỏi chủ quan của nhà chính trị. Chính bởi vậy, sự phát triển phi dân chủ sẽ tạo ra trạng thái không kiểm soát được tính chừng mực của sự phát triển.

Việc đặt hai yếu tố dân chủ và phát triển trong một mối liên hệ cụ thể sẽ làm xuất hiện yếu tố kiểm soát, tức là làm xuất hiện đòi hỏi xây dựng một thể chế toàn cầu hợp lý để kiểm soát sự phát triển trên quy mô toàn cầu và ở lưu vực các nền kinh tế lớn; nếu không, nhân loại sẽ phải đối mặt với sự phát triển bằng mọi giá theo kiểu Trung Quốc. Cần phải trả lời câu hỏi làm thế nào để xây dựng thể chế toàn cầu nhằm kiểm soát rủi ro của các nền kinh tế lấy thành tích chính trị làm điểm tựa hợp pháp cho các nhà cầm quyền? Liệu WTO, với việc đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về nền kinh tế thị trường, có thể hoàn thành sứ mệnh này không? Đó là những câu hỏi rất lớn mà nhân loại buộc phải trả lời trong những năm đầu của thế kỷ XXI vì sự phát triển của chính nó.

Thể chế dân chủ - Không gian của những thay thế hòa bình

Chúng ta hãy cùng nhau phân tích khái niệm sự thay thế của chính phủ. Một trong những ưu điểm của thể chế dân chủ là nó cho phép khẳng định quyền lực của người dân. Nói cách khác, nó tạo điều kiện để nhân dân điều chỉnh khuynh hướng chính trị hay chất lượng chính trị của xã hội thông qua việc lựa chọn các đảng cầm quyền. Đến lượt mình, các đảng cầm quyền sẽ là những người thực hiện các chính sách để điều chỉnh xã hội theo khuynh hướng mà nhân dân đã lựa chọn. Do đó, người dân trở thành thước đo chính xác nhất tính hợp lý chính trị của nhà cầm quyền. Nếu lựa chọn sai lầm những người đại diện, họ có thể tiến hành một sự lựa chọn khác. Điều này tạo ra sự thay thế của chính phủ.

Nhiệm kỳ chính là cánh thức thay thế hòa bình nhất; nghĩa là trong trường hợp chính phủ rơi vào bế tắc, thể chế dân chủ sẽ tạo ra công nghệ thay thế theo ý muốn bằng cách chấm dứt các nhiệm kỳ một cách bình thường hoặc bất thường, hình thành cái gọi là sự thay thế của các giai đoạn - trạng thái nhà nước và giải phóng các cộng đồng ra khỏi sự ràng buộc. Đó cũng chính là ưu điểm của nền dân chủ - nơi các sai lầm chính trị không bị kéo dài, tức là cả quyền lực lẫn rủi ro đều được kiểm soát một cách hợp lý và xã hội không phải trả giá cho những sai lầm của cá nhân hoặc một nhóm người.

Thực ra, sự thay thế của chính phủ là một hiện tượng bình thường và thậm chí, rất đúng với quy luật phát triển. Rõ ràng, bất kỳ sự phát triển nào cũng đòi hỏi một quá trình sàng lọc và thải hồi dần những yếu tố không còn phù hợp. Tuy nhiên, để sự thay thế không gây ra những tổn thất nghiêm trọng, người ta buộc phải thiết kế những kịch bản thay thế hòa bình và chỉ khi nào làm được như vậy thì mới không phải đối diện với sự tan rã của cộng đồng hay sự tan rã của dân tộc. Đến đây, xin được nhấn mạnh rằng, một kịch bản thay thế hòa bình chỉ có thể được thiết kế dựa trên tính đa dạng của đời sống phát triển. Điều này đã được khẳng định trong nhiều học thuyết quan trọng, trong đó có học thuyết của Marx, nhất là triết học Marx với các phân tích về quy luật phát triển biện chứng. Biện chứng là sự vận động nội tại một thành tố và những tác động qua lại giữa yếu tố ấy với các yếu tố khác; bỏ qua tính đa dạng của đời sống tức là chúng ta đã phủ nhận một yếu tố biện chứng rất quan trọng, đó là sự tương tác giữa một yếu tố với những yếu tố khác. Vì lý do đó, nếu thừa nhận tính duy nhất của bất kỳ yếu tố nào thì chúng ta sẽ tiêu diệt sự đa dạng về mặt nhận thức, trong khi sự đa dạng là một thuộc tính cố hữu của đời sống. Tóm lại, những phân tích trên đưa đến kết luận rằng thể chế dân chủ là không gian duy nhất của những kịch bản thay thế hòa bình, hay nói cách khác, nó là môi trường duy nhất mà tại đó có thể kiến tạo lý thuyết phát triển dựa trên sự đa dạng của đời sống phát triển như là điều kiện cần và đủ.

Kết luận

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà dân chủ ngày càng đóng vai trò như khuynh hướng chính trị chủ đạo. Vì lý do đó, để trở thành một phần của thế giới, để phát triển một cách lành mạnh, để thành công trong việc kiểm soát rủi ro trong tiến trình phát triển và xây dựng những kịch bản thay thế hòa bình, các quốc gia sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ của mình. Đó cũng chính là bằng chứng về sự hợp tác - một trong những tiêu chuẩn chính trị quan trọng nhất trong thế giới hiện đại.

Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group

(Đăng lại trong cuốn Suy Tưởng)

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (2005)

Chúng Ta



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1