Thanh Phương (RFI) - Có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam, một vụ án chính trị gây nhiều phản ứng như vụ Cù Huy Hà Vũ. Kể từ khi ông bị bắt và nhất là kể từ khi ông bị truy tố, đã có không biết bao nhiều bài viết về vụ này đăng trên mạng, tạo thành một làn sóng tranh luận sôi nổi về quyền tự do ngôn luận, về Hiến pháp, về pháp luật... ở Việt Nam.
Hôm qua, cô Cù Thị Xuân Bích, em gái của tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, đã cho công bố trên một số trang mạng bức Thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự cho ông, với danh sách 252 người tham gia ký tên trong đợt 2. Cộng thêm những người đã ký ở đợt đầu, số người bày tỏ sự ủng hộ bức thỉnh nguyện thư này lên tới gần 300, gồm phần lớn là những người trong nước, trong đó có khá nhiều giáo dân Công giáo.
Bức Thỉnh nguyện thư gởi cho các lãnh đạo của Nhà nước, Quốc hội và chính phủ Việt Nam nhắc lại là tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt ở Sài Gòn ngày 5/11 năm ngoái và đến ngày 17/12, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã truy tố ông với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », do những bài viết, bài trả lời phỏng vấn về những vấn đề nhân quyền, dân chủ đa đảng ở Việt Nam. Phiên xử được dự trù ngày 24/3, nhưng sau đó đã được dời sang ngày thứ hai tuần tới 4/4.
Ngược lại với cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Nội, theo bức Thỉnh nguyện thư, ông Cù Huy Hà Vũ là «một người yêu nước, thương nòi. Những phát biểu, việc làm của ông thực tế là một tấm gương điển hình cho mỗi công dân Việt Nam. Đó là một việc làm vô cùng hữu ích trong tiến trình xây dựng một chế độ pháp trị trong xã hội ta ngày nay mà không phải ai cũng làm được.»
Những người ký tên vào Thỉnh nguyện thư khẳng định việc bắt giam ông Cù Huy Hà Vũ là « một việc làm oan trái, vô đạo lý, gây chấn động dư luận, bất lợi cho hình ảnh của Việt Nam ». Cho nên, Thỉnh nguyện thư yêu cầu là : thứ nhất, giải oan và trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ, thứ hai, khuyến khích giới truyền thông thông tin cho toàn dân biết sự thật về vụ án này.
Tờ An Ninh Thủ Đô ngày 27/3 vừa qua, khi đưa tin về việc phiên xử, cho biết sẽ có năm luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ. Tờ báo nhấn mạnh : « rất ít khi có một phiên tòa mà nhiều luật sư tham gia bào chữa cho một bị cáo như vậy ». Tờ An Ninh Thủ Đô còn khẳng định là « phiên tòa vẫn diễn ra bình thường, đảm bảo sự tranh tụng tại tòa được khách quan, công bằng. »
Nhưng lo ngại trước khả năng là phiên xử tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ không diễn ra một cách công minh, gia đình ông hôm nay vừa ra lời kêu cứu phổ biến trên mạng, để một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của công luận và đề nghị mọi người có mặt vào đúng ngày ông Cù Huy Hà Vũ ra tòa 4/4 để chứng kiến vụ xử này.
Trước đó, khi nghe tin là phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ sẽ diễn ra ngày 24/3, trên mạng Internet đã có nhiều lời kêu gọi tập hợp đông đảo đúng ngày hôm đó trước Tòa án Nhân dân Hà Nội. Có lẽ một phần vì những lời kêu gọi tập hợp này mà chính quyền đã phải dời ngày xử, nhất là vì ngày hôm trước 23/3 là ngày đưa tang ông Trịnh Xuân Tùng, người đã bị công an đánh chết một cách dã man, gây phẫn nộ dư luận, cho nên có rất nhiều người đến dự.
Việc dời phiên xử cũng có thể phản ánh thái độ bối rối của chính quyền trong việc xử lý trường hợp Cù Huy Hà Vũ. Dầu sao, ông Hà Vũ cũng xuất thân từ một gia tộc có nhiều đóng góp cho chế độ. Bản thân ông không thuộc một tổ chức, đảng phái nào, nên không dễ bị quy chụp là đảng viên Việt Tân, hay « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân». Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ còn có quan hệ với nhiều trí thức, cách mạng lão thành ở Hà Nội. Một chi tiết khác không thể bỏ qua là ông Hà Vũ đã từng nhận bào chữa cho các giáo dân Cồn Dầu, cho nên, rất được giới Công giáo mến mộ. Mà qua những vụ tập hợp cầu nguyện đòi đòi lại đất đai và đòi công lý, người ta đã thấy giáo dân đã trở thành một sức mạnh như thế nào, khi đức tin giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi.
Cũng có thể phiên xử bị dời lại là vì Bộ Chính trị chưa thống nhất với nhau về phương cách giải quyết Cù Huy Hà Vũ, trước nguy cơ sẽ bị quốc tế lên án mạnh mẽ, nếu tuyên án vị tiến sĩ Luật này, bởi vì vụ xử nay đã được dư luận thế giới quan tâm, đặc biệt với việc gia đình đã nhờ Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Hoa Kỳ đại diện đệ đơn khiếu nại lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Tóm lại, có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam, một vụ án chính trị gây nhiều phản ứng như vụ Cù Huy Hà Vũ. Kể từ khi ông bị bắt và nhất là kể từ khi ông bị truy tố, đã có không biết bao nhiều bài viết về vụ này đăng trên mạng, tạo thành một làn sóng tranh luận sôi nổi về quyền tự do ngôn luận, về Hiến pháp, về pháp luật... ở Việt Nam. Làn sóng này lấn át những bài bôi nhọ thanh danh ông Cù Huy Hà Vũ đăng trên báo chí chính thức. Nói cách khác, vụ án Cù Huy Hà Vũ nay đã trở thành một vụ án « trọng điểm » mà qua đó, thế giới đánh giá trình độ hội nhập của Việt Nam về mặt dân chủ, nhân quyền.