Tha hóa quyền lực - Dân Làm Báo 1

Tha hóa quyền lực

"...sử dụng quyền lực như một thứ đặc quyền để phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình hoặc chỉ đơn giản là lấy le với thiên hạ. Đó là một trong những biểu hiện sinh động nhất của việc tha hóa quyền lực..."

Dư luận đang rất quan tâm đến vụ một sĩ quan cảnh sát giao thông đồng thời là con trai của vị giám đốc Công an tỉnh, bị tố là bắt ép người lái xe taxi vượt đèn đỏ và còn có hành vi hành hung người lái xe vì tội không “tuân lệnh”. Thậm chí, anh này còn có hành vi nhục mạ người thi hành công vụ.

Mặc dù các đối tượng liên quan đến vụ việc đã có tường trình chi tiết nhưng lại có những tình tiết trái ngược, (thậm chí anh cán bộ công an còn tố ngược rằng, vì ngăn cản người lái xe cố tình vượt đèn đỏ thì mới nên nỗi) nên cơ quan chức năng còn chưa thể khẳng định được tính xác thực của vụ việc. Nhưng nếu chuyện mà người lái taxi tố cáo là sự thật 100% thì cũng không làm ai phải ngạc nhiên.

Chuyện người có chức, có quyền hống hách, coi thường người khác, coi thường kỷ cương, pháp luật là chuyện có từ rất lâu rồi và không phải là chuyện hiếm. Có thể kể ra hàng trăm ví dụ: Những quan chức xây nhà mà không cần chấp hành những quy định, quy chuẩn về xây dựng; những cán bộ có thói quen quát nạt, to tiếng với dân trong cơ quan hành chính; cán bộ công an múa kiếm dọa dẫm người khác giữa nơi công cộng; thậm chí ở một số nơi, đến nhân viên bảo vệ cũng rất “hách” mỗi khi có người dân đến liên hệ công việc…

Tất cả những hành vi trên đều có điểm chung là họ sử dụng quyền lực như một thứ đặc quyền để phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình hoặc chỉ đơn giản là lấy le với thiên hạ. Đó là một trong những biểu hiện sinh động nhất của việc tha hóa quyền lực.

Lẽ dĩ nhiên, cả về khía cạnh luật pháp lẫn đạo đức xã hội không cho phép người có chức có quyền được làm những việc như vậy. Những người vi phạm biết điều đó nhưng ngược lại họ cũng biết sử dụng quyền lực để luật pháp khó mà điều chỉnh được hành vi của họ.

Việc lạm dụng quyền lực khó có thể xảy ra nếu những hành vi đó bị xử lý nghiêm minh. Những hành vi cậy quyền, ỷ thế ngang ngược cũng khó có thể trở thành tình trạng khá phổ biến và mức độ nghiêm trọng nếu nó không xảy ra một lần, hai lần rồi nhiều lần trong bối cảnh những người xung quanh còn thỏa hiệp, chung sống với nó.

Trở lại câu chuyện người cán bộ công an bị tố ép người lái xe taxi vượt đèn đỏ, liệu rằng có việc sử dụng quyền lực để làm sai lệch những tình tiết, sau đó tác động vào việc kỷ luật (nếu có) hay không- đó cũng là điều mà dư luận hết sức quan tâm.

PV

Nguồn : Công Luận



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1