Phỏng vấn ông Vũ Khánh Thành - Dân Làm Báo 1

Phỏng vấn ông Vũ Khánh Thành

Sara Smyth - Nhân dịp năm mới âm lịch, Citizen đã có cuộc trò chuyện với người sáng lập Quỹ An Việt (An Viet Foundation) về hoạt động đón Tết và lịch sử hình thành của cộng đồng người Việt ở khu vực Hackney.


Hơn 30 năm về trước, sau sự sụp đổ của Sài Gòn vào năm 1975, hàng nghìn người tị nạn Việt Nam đã rời bỏ quê hương, trốn chạy khỏi đất nước Việt Nam do cộng sản kiểm soát. Rất nhiều trong số những người này, được gọi là “thuyền nhân”, đã định cư ở Hackney, và họ giờ đây là một phần khá giả và năng động trong cộng đồng khu vực. Nhân dịp năm mới âm lịch của người Việt Nam, hay còn gọi là “Tết”, diễn ra từ mồng 2 tới mồng 7 tháng này, cộng đồng vừa kỷ niệm năm mới vừa tưởng nhớ lại lịch sử loạn ly của người Việt tị nạn.

Những người Việt đầu tiên tới Hackney trong một hoàn cảnh bất định và đầy hiểm nguy. Ông Vũ Khánh Thành, người đã đi từ Việt Nam sang Anh vào năm 1979, là sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành Quỹ An Việt ở Hackney – một quỹ tạo điều kiện và hỗ trợ thực tiễn cho người Việt Nam tị nạn. Ông Thành, một trong những “thuyền nhân” đầu tiên, kể về quá trình tái định cư: “Không như những người miền Nam Việt Nam đã chạy được sang Philippines, Thái, hoặc Guam vào thời điểm cuối cuộc chiến năm 1975, những người miền Bắc như tôi bị buộc phải rời khỏi nhà ngay sau cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc”.

Một hội nghị quốc tế đã được tổ chức để giải quyết vấn đè “thuyền nhân” của Đông Nam Á. Sau hội nghị này, chính phủ Anh quốc nhận trách nhiệm về 30.000 người tị nạn Việt Nam. “Chỉ có những thuyền nào được tàu của Anh đón mới được phép sang Anh” – ông Vũ nhớ lại – “và vì cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979 mà phần lớn những người tị nạn sang Anh đều là người Việt gốc Hoa thiểu số, bị chính quyền Việt Nam đuổi đi vì sợ họ sẽ ủng hộ quân Trung Quốc”.

Khi ông Vũ tả lại những khó khăn trong việc tái định cư cho người Việt ở Anh thì thấy rõ ràng đó là một hoạt động đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa hòa nhập về mặt xã hội với bảo tồn về mặt văn hóa: “Trong hoàn cảnh vừa xảy ra cuộc nổi dậy ở Brixton năm 1979, bà Thatcher không cho phép người Việt Nam định cư tại một khu vực, mà thay vì thế, phải để họ sinh sống rải rác ở vùng nông thôn. Chính quyền Anh không muốn tập trung đông người ở một nơi. Vì thế mặc dù người dân Anh rất cởi mở, nhưng mặc cảm bị cô lập của dân tị nạn ở nông thôn vẫn tràn ngập”.

Cuối cùng chính cái chính sách phân tán “thuyền nhân” khắp nước Anh này đã dẫn đến sự hình thành một cộng đồng người Việt lớn ở Hackney, theo như lý giải của ông Vũ. “Bởi vì hồi ấy, Hackney và Tower Hamlets là những miền đất khá hoang sơ, nên ở đó có rất nhiều nhà bỏ không. Người Việt ở nông thôn bèn chuyển đến London và “nhảy dù”, thế rồi thì Hội đồng Hackney đồng ý cho họ thuê đất. Tổng số người tị nạn ở Hackney vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước lên tới xấp xỉ 5.000 người – con số người tị nạn lớn nhất từng có ở một địa phương”.

Từ đó trở đi, những người Việt ở Hackney đã hình thành nên một phần của một cộng đồng đa dạng ở khu vực, mặc dù quá trình này diễn ra không dễ dàng. “Vấn đề chính mà người tị nạn phải đương đầu là ngôn ngữ và công ăn việc làm. Trình độ kỹ thuật nói chung rất thấp vì ở Việt Nam, phần lớn công việc tập trung trên đồng ruộng và trong nhà. Người tị nạn không có kinh nghiệm và không biết cách làm việc ở thành phố, nhưng chúng tôi cũng học rất nhanh và vì không được hưởng phúc lợi, cho nên chúng tôi không ngại lao động vất vả”.

Để hỗ trợ người Việt hòa nhập vào đời sống ở Hackney, Quỹ An Việt của ông Vũ (tên của nó có nghĩa là “định cư tốt đẹp”) được thành lập vào năm 1982 và đã tận lực giúp đỡ người tị nạn Việt Nam vì một tương lai tươi sáng hơn cho họ. “Khi tôi bắt đầu xây dựng Quỹ, mối ưu tiên chính là tái định cư – đảm bảo rằng bọn trẻ có thể đi học ở các trường sở tại, có phiên dịch giữa gia đình và nhà trường, đồng thời làm việc với cơ quan phúc lợi xã hội và xử lý các vấn đề phát sinh đối với người tái định cư”.

Kể từ đó, Quỹ tập trung vào phát triển nghề nghiệp trong cộng đồng: “Mặc dù ngành may mặc đã chuyển dần sang Đông Âu kể từ sau ngày Tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhưng từ năm 1982 tới năm 1995, mọi gia đình người Việt đều có máy khâu, có người làm việc trong xưởng may và họ có thể mang sản phẩm về nhà để hoàn thiện kỹ năng chuyên môn” – ông Vũ kể lại.

“Ở trung tâm này, chúng tôi tổ chức đào tạo về may mặc, cho mỗi công nhân một năm để tự kinh doanh ở một phòng phía sau tòa nhà này, sau đó thì khuyến khích họ vươn ra ngoài làm ăn riêng. Trong thời kỳ đó, chỉ tính riêng ở Hackney đã có khoảng 40-50 xưởng may của người Việt sản xuất quần áo”.

Rõ ràng là sự phát triển của cộng đồng người Việt ở Hackney có quan hệ với hoạt động sản xuất. Chuyển dần từ ngành may mặc sang ngành làm đẹp và kinh doanh nhà hàng, An Việt đã hỗ trợ và góp phần làm thay đổi yêu cầu về công việc: “Bây giờ chúng tôi tiến hành đào tạo cả về vệ sinh an toàn thực phẩm, và mở lớp cả cho những người làm tóc, làm trang điểm ở thẩm mỹ viện. Bạn chỉ việc xuống phố mà xem kết quả – công việc của chúng tôi rất thành công, những cơ sở kinh doanh mới được mở khắp nơi ở vùng Đông London”.

Vợ ông Vũ điều hành Hương Việt, một nhà hàng nằm ngay trong trung tâm An Việt. Con gái họ quản một cửa hàng danh tiếng tên là Namo ở Công viên Victoria. Ông Vũ mong muốn ngày Tết ở nhà ông cũng có nhiều món ăn như bất kỳ gia đình người Việt nào. “Đây là dịp để nấu các món truyền thống Việt Nam. Chúng tôi vừa ăn một bữa to trước khi đi thăm họ hàng, bè bạn. Không gia đình Việt Nam nào lại không làm hai món bánh cổ truyền của Việt Nam, một loại hình vuông tượng trưng cho đất và nhà, một loại tròn tượng trưng cho trời”.

Trong tình hình Chính phủ tiến hành chương trình cắt giảm chi tiêu công, ông Vũ nhấn mạnh rằng mối ưu tiên lớn nhất của ông là duy trì hoạt động của An Việt. Ông trầm ngâm khi nói về một chu kỳ của những thế hệ người Việt đến đây: “Thế hệ đầu tiên bận rộn làm ăn, định cư và hòa nhập, còn bây giờ thế hệ tiếp theo lại muốn nhìn lại, muốn hỏi họ là ai, họ đến từ đâu và họ biết gì về lịch sử Đông Nam Á. Chúng tôi hy vọng mình có thể giúp họ trả lời những câu hỏi đó”.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://basam.info/2011/02/04/329-ph%E1%BB%8Fng-v%E1%BA%A5n-ong-vu-khanh-thanh/



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1