"Vụ tấn công tàn bạo này là một hành động xâm phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, trong một môi trường vốn đã bị chính phủ kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ" - Tổ chức Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo.
Thanh Phương (RFI) - Nhà báo Lê Hoàng Hùng, bút danh Hoàng Hùng, của tờ Người Lao Động TPHCM, đã qua đời ngày 29/1 vừa qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi ông đã được cấp cứu và điều trị sau khi bị đốt cháy ngay tại nhà riêng ở Long An khi đang ngủ hôm 19/1 và bị phỏng nặng. Công an Long An cho biết là cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án giết người và đang điều tra truy tìm thủ phạm. Nhưng hiện giờ chưa có nghi can nào bị bắt giữ.
Theo tờ Tuổi Trẻ, nhà báo Hoàng Hùng gần đây đã điều tra về các vụ tham nhũng và buôn lậu qua biên giới Việt-Miên và trước ngày bị đốt cháy, ông đã nhận được nhiều tin nhắn có nội dung đe dọa. Một đồng nghiệp của nhà báo Hoàng Hùng cho biết có thể đây là một vụ trả thù, tuy rằng theo báo chí trong nước, nạn nhân trước đây không có thù oán với ai.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế thúc giục công an Việt Nam nhanh chóng tìm thủ phạm giết hại nhà báo Hoàng Hùng, sợ rằng vụ này chính là do những bài viết của ông trên báo Người Lao Động.
Trong một thông cáo đề ngày 31/1/2011, Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), trụ sở tại New York, yêu cầu là cuộc điều tra « phải được tiến hành tới nơi tới chốn một cách độc lập và kẻ sát nhân phải bị đưa ra tòa ». Bản thông cáo của CPJ viết rằng : « Những vụ giết hại phóng viên là rất hiếm ở Việt Nam và chính quyền phải bảo đảm làm sao cho tình trạng phạm tội mà không bị trừng trị không trở nên phổ biến ».
Về phần tổ chức Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo, trụ sở tại Bỉ, hôm nay cũng ra thông cáo nhấn mạnh : « Vụ tấn công tàn bạo này là một hành động xâm phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, trong một môi trường vốn đã bị chính phủ kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ ».