Tình Thương Cho Các Em Bé Tị Nạn - Dân Làm Báo 1

Tình Thương Cho Các Em Bé Tị Nạn


Ts. Nguyễn Đình Thắng -Các em chưa hiểu gì về cuộc đời, về con người nhưng nét mặt đã nhuốm nỗi sọ hãi, lo âu. Cuộc sống tù túng và những trằn trọc của cha mẹ, anh chị lớn tác động lên tâm lý của các em và, ngày qua ngày, cướp dần đi tuổi hồn nhiên. Ảnh hưởng của cuộc sống tị nạn có thể di luỵ cả đời người khi các em lớn lên.

Chiến dịch đàn áp kéo dài từ đầu năm 2007 đến tận nay đã đưa đẩy nhiều trăm người Việt chạy sang lánh nạn ở Thái Lan. Trong 4 năm qua tôi cũng đã tới lui đất nước này gần chục lần để can thiệp cho đồng bào tị nạn. Cho đến gần đây, sự can thiệp này tập trung vào việc vận động chính sách đối với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, và chính phủ Hoàng Gia Thái, cùng với việc thiết lập hồ sơ tị nạn cho từng trường hợp cụ thể.

Chuyến công tác của tôi ở Thái Lan lần này có thêm một sứ mạng: giải thoát các em bé tị nạn khỏi đời sống chui nhủi và nguy cơ thất học.

Đây là một vấn đề lương tâm mà tôi đã đối diện từ hai thập niên trước, khi Hồng Kông và các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu chính sách “trại cấm”.

Lần đầu tiên tôi giáp mặt với vấn đề “các em bé tị nạn” là cuộc thăm viếng các trại cấm Hồng Kông vào cuối năm 1988, do một số anh chị em làm từ các quốc gia đến làm việc tình nguyện tại đây sắp xếp. Gọi là trại cấm nhưng thực ra đó là những trại tù. Cha mẹ ở tù, con cái cũng ở tù theo. Tôi đã chứng kiến biết bao khuôn mặt ngây thơ đằng sau các song sắt, bị vây bủa bởi hàng rào kẽm gai hay các bức tường sừng sững.

Các em bé tị nạn từ Cồn Dầu được chuyển đến một vùng đồng quê (ảnh BPSOS)

Các em chưa hiểu gì về cuộc đời, về con người nhưng nét mặt đã nhuốm nỗi sọ hãi, lo âu. Cuộc sống tù túng và những trằn trọc của cha mẹ, anh chị lớn tác động lên tâm lý của các em và, ngày qua ngày, cướp dần đi tuổi hồn nhiên. Ảnh hưởng của cuộc sống tị nạn có thể di luỵ cả đời người khi các em lớn lên.

Từ ngày các giáo dân của Xứ Đạo Cồn Dầu chạy sang Thái Lan lánh nạn, vấn đề các em bé tị nạn lần nữa là mối ưu tư của tôi. Vì cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào cả một xứ đạo, nhiều gia đình phải đào thoát cả nhà. Có trường hợp một người chạy tháo thân khỏi cuộc bố ráp của công an, đến Thái Lan lánh nạn thì vợ con ở nhà bị công an sách nhiễu, tra khảo thường xuyên; không còn cách nào khác, vợ con rồi cũng phải tìm đường ra đi.

Thành ra, trong số 55 người Cồn Dầu đang lánh nạn ở Thái Lan, có đến gần phân nửa là dưới18 tuổi.

Các em cũng phải sống theo với người lớn một cuộc sống ẩn nấp, trốn tránh. Suốt ngày ăn, ở, sinh hoạt quanh 4 bức tường của một căn chung cư chật hẹp. Ở tuổi hiếu động nhưng các em không dám lớn tiếng, không dám nô đùa vì sợ chủ nhà đuổi. Nhiều khi bất chợt các em phải theo cha mẹ dời chuyển chỗ ở khi có dấu hiệu bị phát hiện. Nỗi lo sợ lúc nào cũng đè nặng lên cuộc sống, một cuộc sống không bình thường chút nào của tuổi niên thiếu.

Điều làm tôi lo lắng nhất là các em đều trở thành thất học. Đây cũng là nỗi lo của bố mẹ.

“Con của em nó học giỏi lắm. Ở trường năm nào cũng nhận bằng khen. Cả năm nay nó không được đi học, uổng quá”, một phụ huynh tâm sự.

Khi tôi hỏi han thì ước mơ của nhiều em là được trở lại đi học bình thường, một niềm mơ ước thật đơn giản.

Trong buổi họp với vị Cao Uỷ Trưởng Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tôi nêu vấn đề giáo dục cho các em bé tị nạn. Ông ta sững người, làm như chưa bao giờ nghĩ đến.

Vị Cao Uỷ Trưởng này tôi quen từ cách đây hơn 20 năm. Ông ta đã từng làm Cao Uỷ Trưởng ở Hồng Kông và rất hiểu tình cảnh của những trẻ em bị giam hãm trong trại cấm. Ông ta, một người tốt, vừa đến Thái Lan nhậm chức nên có lẽ chưa thấu hiểu tình hình ở đây.

Ở Thái Lan này có tình trạng “urban refugees” - những người tị nạn thành phố. Họ sống lẫn vào với người dân ở thành phố, nhưng âm thầm như những bóng người vô hình vì không có quy chế hợp pháp. Không giống như những thuyền nhân ngày xưa ở trong trại, được hưởng sự che chở và các phúc lợi của LHQ, những người tị nạn thành phố phải tự bươn chải và lại còn phải tránh né mối nguy bị cảnh sát phát hiện và bắt bớ. Con em của họ đều thất học.

Vị Cao Uỷ Trưởng hứa sẽ nghiên cứu vấn đề này. Nhưng tôi biết rằng không thể ngồi chờ cơ quan LHQ của ông ta tìm ra giải pháp.

Cách đây 6 tháng, tôi đã bắt đầu tiếp xúc với một số tổ chức người Thái, kể cả một số dòng tu Công Giáo có mở trường, để bàn thảo kế hoạch tạo cơ hội ăn học cho các em bé tị nạn trong thời gian cha mẹ chúng chờ quyết định của CUTN/LHQ về quy chế tị nạn.

Và trong nỗ lực ấy, đã có một số em bé tị nạn từ Cồn Dầu được một tổ chức đón nhận đưa về một nơi xa, ở vùng thôn dã. Nơi ấy có cô giáo đến dậy mỗi ngày. Các em được chạy nhảy, nô đùa giữa cánh đồng gió mát. Và đặc biệt, khung cảnh rất giống nơi quê nhà với ruộng lúa, với ao hồ, với cây cỏ nhiệt đới.

Trước đây khi tôi hỏi, các bậc cha mẹ không muốn rời con. Có lẽ họ nghĩ rằng chỉ ở Thái Lan một thời gian ngắn rồi lên đường đi định cư nên, “thôi thì cả nhà cùng chịu cực”. Chuyến này, tôi giải thích cặn kẽ cho từng người về tiến trình xin tị nạn của CUTN/LHQ, có thể kéo dài đến hai năm hoặc hơn.

Khi tôi đưa ý kiến để con em di chuyển đến một nơi có cơ hội ăn học, khác hẳn với lần trước, lần này phần lớn các phụ huynh, dù đau xót, đồng ý xa con. Thân phận người tị nạn khốn khổ trăm bề.

Tôi sẽ sắp xếp để đưa tất cả các em bé tị nạn người Việt đến những nơi an toàn, có cơ hội ăn học, có không khí trong lành và một đời sống tương đối bình thường. Đó là một sứ mạng nhỏ lồng trong nỗ lực rộng lớn hơn: bảo vệ cho những nạn nhân của cuộc đàn áp đang ngày càng lan rộng ở đất nước chúng ta.

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2120



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1