Nhà giàu kiểu Mỹ, Ấn Ðộ và Trung Hoa - Dân Làm Báo 1

Nhà giàu kiểu Mỹ, Ấn Ðộ và Trung Hoa

Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Ông Ðặng Tiểu Bình đã phát động một cuộc cách mạng mới khi đưa ra khẩu hiệu “Làm giàu là vinh quang!” Nó thay thế cho khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” của Mao Trạch Ðông.

Từ đó, các đảng viên Trung Cộng đã phấn đấu làm giàu, không cần nghĩ tới lao động nữa. Nhưng không phải ở nước nào người ta cũng làm giàu kiểu đó. Ở nhiều nơi người ta phải làm việc cật lực mới tích lũy được tiền của. Tuần báo Economist mới đăng một bài dài 14 trang về những người giàu; đặc biệt có một đoạn viết về “Các nhà quý tộc mới ở Á Châu,” họ so sánh những người giàu ở hai nước Ấn Ðộ và Trung Quốc. Ðọc bài đó, chúng ta biết khi nào việc làm giàu đáng gọi là vinh quang! Ðó là khi những người giàu có được người khác kính trọng.

Thế giới hiện nay có hàng chục triệu người là “triệu phú đô la Mỹ”. Nếu đặt tiêu chuẩn tổng số tài sản lên tới một triệu đô la thì, theo ngân hàng Credit Suisse, hiện có hơn 24 triệu người trên thế giới là triệu phú. Họ làm chủ tổng cộng 69 ngàn tỷ Mỹ kim. Và 41% những người này sống ở nước Mỹ, chắc quý vị độc giả ở California cũng quen biết nhiều người.

Nếu bỏ qua những tài sản nổi như nhà ở, xe cộ, trang sức, vân vân, mà chỉ đếm số tiền được đem đầu tư thôi đã lên tới một triệu, thì con số triệu phú khắp thế giới khoảng 10 triệu người, như các công ty tài chánh Capgemini và Merrill Lynch ước tính. Trong số 10 triệu người này, chỉ có 16% giàu có là do được thừa hưởng gia tài ông cha để lại. Còn 84% người giàu đều do họ tự làm nên. Ðặc biệt, gần một nửa vì tự mình khởi nghiệp kinh doanh mà trở nên giàu có. Trong đó có thể kể đến các ông Bill Gates, Warren Buffetts, hay Carlos Slim (giàu nhất Mexico, có lúc giàu nhất thế giới). Nhưng không thể kể những ông triệu phú như Nguyễn Việt Tiến, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, hay Lê Ðức Thúy trong số đó. Vì quý vị triệu phú đô-la đó không xây dựng cơ nghiệp bằng việc doanh thương.

Ở nước Mỹ khi nói đến những người kiếm được nhiều tiền như Bill Gates hay Warren Buffetts, Tiger Woods, bà Oprah, hay các cầu thủ bóng bầu dục hoặc tài tử xi nê; không thấy ai tỏ ý ganh ghét vì họ giàu có. Hầu như mọi người công nhận chuyện họ giàu là tự nhiên. Trong một thị trường tự do cạnh tranh, có luật lệ để bảo vệ sự công bằng; thì những người chịu khó, có tài riêng và may mắn họ sẽ giàu; mình không may mắn, thiếu tài, hoặc không thích làm giàu, thì chấp nhận thua họ về tiền bạc. Miễn là sao mình không lười biếng để bị nghèo khó quá là được.

Báo The Economist kể hồi tháng 9 vừa qua, hai ông Bill Gates và Warren Buffetts đã ngồi họp với 50 đại tài chủ giàu nhất nước Tàu. Hai ông này đã bỏ ra một nửa tài sản, hoặc nhiều hơn, để làm việc nghĩa; họ nói rằng khi mình có nhiều tiền quá, xài cho mình không hết thì nên xài cho người khác. Chắc các nhà tư bản mới ở Trung Quốc sẽ noi gương. Nhiều người trong đám họ cũng làm giàu nhanh, không khác gì Bill Gates hay Mark Zuckerberg. Nhưng bên Mỹ thì việc mọi người góp tiền cho các hội thiện đã là một thói quen có từ mấy thế kỷ. Trong năm 2009 cả nước Mỹ người ta đã quyên góp 217 tỷ đô la cho các hội thiện. Còn ở bên Tàu thì từ khi lập chế độ cộng sản đến nay chắc thói quen làm việc thiện đã bị quên mất rồi. Không phải vì người Trung Hoa keo kiệt, mà vì cả nước họ chỉ có mỗi một hội thiện duy nhất được phép hoạt động, là… đảng Cộng Sản! Mà đảng ta thì thiếu gì tiền, đâu cần ai quyên góp?

Tại Mỹ, cuộc cách mạng tin học tạo cơ hội cho những người “thượng lưu trí não” (báo The Economist gọi là cognitive elite). Họ thấy tiền từ trên trời rớt xuống lẹ quá, xài không kịp bèn đem cho ngay. Bill Gates bỏ hàng chục tỷ Mỹ kim lập ra cơ quan từ thiện lúc mới có 39 tuổi. Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook và được báo Time chọn làm Nhân Vật Năm 2010, mới 26 tuổi đã đem tặng 100 triệu đô la cho các trường học quận Newark. Trong một xã hội dân chủ tự do, mọi người bình đẳng trước luật pháp; ai cũng có cơ hội như nhau; cho nên tài sản có chênh lệch người ta chấp nhận được. Người dân những nước đang lên cũng mà tin tưởng vào cơ chế kinh tế thị trường. Một cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research hỏi ý kiến mọi người có đồng ý hay không, là “trong kinh tế thị trường thì hầu hết mọi người đều được khá giả hơn, mặc dù có người giàu người nghèo”. Có 79% người Ấn Ðộ đồng ý, và 84% người Trung Hoa cũng nghĩ vậy.

Nhưng người giàu ở hai nước Ấn Ðộ và Trung Hoa khác nhau. Báo The Economist viết rằng ở Ấn Ðộ những triệu phú (đô-la) được coi như những anh hùng. Bao nhiêu nhà kinh doanh đã dựng lên cả một kỹ nghệ xuất cảng chất xám ở thành phố Bangalore, làm dịch vụ tin học cho các đại công ty quốc tế. Công ty Tata đang đưa ra thị trường những chiếc xe nhỏ xài ít tốn xăng nhất và giá rẻ nhất, nhưng cũng lập ra hàng chục cơ quan từ thiện và các viện nghiên cứu phát triển. Công ty trả lương nhân viên khá và ông Ratan Tata, chủ tịch công ty sắp hồi hưu, sống một cách khiêm tốn. Giới tỷ phú Ấn Ðộ vươn lên trong lúc nước họ cũng vươn lên. Trong thập niên vừa qua tài sản trung bình dân Ấn Ðộ tăng 150%, từ 2,000 đô la mỗi đầu người lên 5,000 đô la.

Người dân Ấn Ðộ đa số không ghét hay khinh người giàu. Báo chí tự do, ai làm giàu bất chính, ai buôn bán gian xảo, ai nhận tiền hối lộ, khó lòng giấu giếm. Các đảng chính trị hoạt động tự do, nếu có ai làm điều sai trái thế nào cũng bị soi mói, sợ có người tìm ra. Bầu cử tự do, dân bất mãn thì thay đổi người cầm quyền. Nhà báo gặp một bà cụ sống trong khu nhà ổ chuột Dharavi ở thành phố Mumbai. Bà Aruna mù chữ, ở trong căn hộ một phòng ngủ, chứa 10 người. Hỏi bà nghĩ sao về những người giàu, bà nói: “Họ làm việc cực nhọc. Chúng tôi cũng phải làm việc cực nhọc”. Con gái lớn của bà đang làm việc trong một ngân hàng. Con nhỏ hơn thì đang đi học. Gia đình này sống ở nấc thang dưới cùng của xã hội Ấn Ðộ, nhưng họ đang ngẩng đầu trông lên.

Ở Trung Quốc, báo The Economist thấy người nghèo không nhìn những người giàu như vậy. Cuộc cải cách kinh tế đã vứt bỏ chế độ cộng sản để theo kinh tế thị trường nhờ thế 500 triệu người Trung Hoa ra khỏi cảnh nghèo đói; đồng thời cũng xây những nhà chọc trời ở Thượng Hải, Quảng Châu. Nhưng giới kinh doanh ở Trung Quốc làm ăn như thế nào, người dân thường không biết. Ðó là việc trên thiên đình! Không ai được quyền đặt câu hỏi về quyền hành của đảng Cộng Sản. Ðể làm giàu, tốt nhất là đi với đảng, hay là xin vào đảng. Số đảng viên chiếm dưới 5% dân số, nhưng họ nắm quyền tuyệt đối.

Các đảng viên cao cấp và những người giàu có còn coi họ sống bên trên luật pháp. Báo The Economist thuật chuyện con trai của một trùm công an tên là Lý Cương, năm ngoái lái xe trong lúc say rượu, cán chết một người đi bộ. Cậu công tử vọt xe đi, còn quay đầu lại quát lớn: “Ðứa nào gan thì đi khai báo đi! Bố tao là Lý Cương!” Không ngờ có những blogers tìm ra chuyện này và loan truyền trên mạng. Một bài hát được phổ biến, với điệp khúc, “Bố tao là Lý Cương! Bố tao là Lý Cương!” Cuối cùng cậu công tử bị bắt và ông Lý Cương phải lên tivi xin lỗi.

Ðảng Cộng Sản giữ rất nhiều tiền, nhưng không đem chi tiêu cho những việc phúc lợi của dân như lập quỹ hưu bổng, an sinh xã hội, hoặc nâng cao trình độ y tế, giáo dục ở nông thôn. Ðảng sẵn sàng đem tiền cấp vốn hoặc cho các doanh nghiệp nhà nuớc vay, mặc dầu các cán bộ quốc doanh làm ăn thua lỗ. Các xí nghiệp tư không thể cạnh tranh với các công ty do các cán bộ quản lý. Chính quyền các cấp đặt ra những thứ thuế không cần hỏi ý kiến đại biểu của dân, và nhiều khi không đúng pháp luật.

Tình trạng bất công xã hội ở Trung Quốc đã tăng lên. Trong nước Trung Hoa đã có tới 800,000 triệu phú đô-la, nhưng cũng có 400 triệu người sống với dưới 2 đô-la một ngày. Chỉ số Gini, từ zero đến một, là một thước đo công bằng xã hội, số càng lớn càng bất công. Gini bằng zero là công bằng tuyệt đối, khi tài sản và lợi tức tất cả mọi người bằng nhau, Gini bằng 1 là bất công tuyệt đối. Giữa thập niên 1980, khi nước Trung Hoa mới bắt đầu đổi mới kinh tế, hầu hết mọi người nghèo như nhau, chỉ số Gini là 0.28; 20 năm sau, chỉ số đó tăng lên thành 0.4, tức là bất công hơn. Thời 1980 Ấn Ðộ bất công hơn Trung Quốc, điều đó hiểu được vì hệ thống đẳng cấp dựa trên tôn giáo vẫn lưu cữu; nhưng bây giờ nhờ kinh tế thị trường nên Ấn Ðộ công bằng hơn. Ở Ấn Ðộ, trong cùng thời gian kể trên, chỉ số Gini cũng tăng từ 0.32 lên 0.37.

Một nguyên nhân gây nên cảnh bất công xã hội ở Trung Quốc, theo The Economist, là chế độ hộ khẩu. Nông dân không được tự do đổi chỗ ở, khi lên thành phố sống con cái họ không được đi học trường công chính thức, không được cung cấp các dịch vụ xã hội, y tế, vì không có hộ khẩu. Có 2 nước Trung Hoa, người thành phố và người nông thôn, phân cách vì chính sách hộ khẩu. Thành phố Thượng Hải cho phép những phụ nữ lấy chồng người Thượng Hải, sau 15 năm sẽ có hộ khẩu. Hỏi tại sao không cho những người đàn ông lấy vợ ở Thượng Hải được hưởng quy chế đó, văn phòng thị trưởng không giải thích được, chỉ nói rằng chắc không có cô nào dân Thượng Hải mà lại lấy chồng “ngoại quốc!”

Cảnh sống bất công đang là một thùng thuốc nổ đe dọa sự ổn định xã hội ở Trung Quốc. Nhà văn Pearl Buck viết nhiều tiểu thuyết về người Trung Hoa, đã nhận xét: Khi nào người giàu giàu quá còn người nghèo nghèo quá thì sẽ loạn. Không biết những nhà tỷ phú, triệu phú ở Trung Quốc có tìm cách chia sẻ lợi tức và tài sản cho các đồng bào của họ ở thôn quê hay không. Nhưng nếu muốn cho con cháu họ trong lâu dài vẫn được hưởng những tài sản họ đã tích lũy được, tốt nhất là phải thiết lập một chế độ tự do dân chủ, có pháp luật công bằng do các đại biểu thật sự của mọi người dân đặt ra. Như Khổng Tử nói, khi đó là quốc gia sẽ trở thành “hữu đạo”.

Những ông triệu phú đô la ở Trung Quốc (và Việt Nam) nên học lại Khổng Tử, sau khi một bức tượng của ngài mới được dựng lên làm cảnh trước Thiên An Môn. Cụ Khổng ngày xưa cũng rất quan tâm đến chuyện làm giàu, có lúc cụ còn khuyến khích người ta phải làm giàu, vì nếu sống nghèo là đáng hổ thẹn. Cụ từng nói: “Ở một nước có đạo lý mà mình nghèo hèn thì đáng xấu hổ; ở một nước không có đạo lý mà mình giàu sang thì đáng xấu hổ” (“Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã; bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã”. Luận Ngữ, thiên VIII, Thái Bá, câu 13).

Một nước theo thể chế tự do dân chủ với luật pháp công bằng, có thể xếp vào loại “Bang Hữu Ðạo”. Còn nói đến “Bang Vô Ðạo” thì ai cũng biết nó thế nào rồi. Khi con một ông tướng công an cán chết người xong, không những thản nhiên bỏ đi mà còn thách đố và đe dọa mọi người; một nước như vậy thì gọi là gì?

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=126262&z=7



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1