Bùi Tín - Năm 2010 vừa qua, những người theo dõi thời cuộc của đất nước có dịp ghi nhận nhiều sự kiện mới lạ, đáng tìm hiểu và ghi nhớ, làm phong phú thêm hành trang tư tưởng và kiến thức của mọi người trong cục diện chính trị - kinh tế - đối ngoại và văn hóa phức tạp hơn những năm trước. Trong sổ tay của mỗi người đã ghi lại nhiều danh từ mới mẻ gắn liền với năm 2010, được các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình và các blog cá nhân nhắc đến với mật độ cao..
Như để thách thức nhà cầm quyền và riêng ngành tư pháp cũng như khẩu hiệu “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh”, tên các vụ án là các danh từ đặc biệt nổi bật.
Đó là “Vinashin”, tên một cực đại công ty quốc doanh đóng tàu thủy viễn dương, mấp mé bên bờ phá sản, nợ kỷ lục lên đến hơn 5 tỷ đô la (có người cho rằng nó đã bị phá sản rồi), đang được Nhà nước quyết ra tay “cơ cấu lại” (nhiều ý kiến cho rằng “sẽ là thùng không đáy, lãng phí thêm hàng tỷ đô la”…).
Đó là “Securency” và “Nexus Technology”, hai công ty của Úc và Hoa Kỳ liên quan đến các vụ tham nhũng của các viên chức Việt Nam cấp cao, đã được tòa án các nước trên khởi tố và xét xử, nhưng các cơ quan công an, tư pháp của Việt Nam đến nay vẫn chưa muốn vào cuộc, mặc cho trong Bộ luật “Phòng chống tham nhũng” có những điều khoản quy định rõ về “khẩn trương giải quyết các vụ án tham nhũng có nhân tố nước ngoài”.
Lại còn vụ án mang tến “PMU 18”, dính đến một loạt quan chức cấp cao ngành Giao thông Vận tải, vẫn ì ạch, dẫm chân tại chỗ đã hơn 4 năm, được coi là mẫu mực về tốc độ “khẩn trương” của một con rùa.
Vụ án khác thường được gọi là “Vụ án Hà Giang”, năm 2009 đã xử sơ thẩm, năm 2010 bị tòa Phúc thẩm hủy bỏ để điều tra lại từ đầu. Nhóm quan chức đầu tỉnh, vốn là đầu mối của vụ án gọi đúng tên là “tổ chức cưỡng dâm tập thể nữ sinh vị thành niên”, chỉ bị “phê bình về khuyết điểm trong sinh hoạt”, trong khi hai em nữ sinh - thực chất là nạn nhân - hiện vẫn nằm trong tù một cách oan trái trong vụ án vẫn mang cái tên ngược đời là “Vụ án bán dâm”.
Cũng trong năm 2010, nhiều vụ án bị chụp cho cái mũ là “âm mưu lật đổ chính quyền” nhằm kết án những chiến sỹ dân chủ gan góc, đồng thời đe dọa những người sẵn sàng dấn thân cho tự do của nhân dân; trong khi đó chính những nhà lãnh đạo đảng khẳng định rằng không ai lật đổ được đảng và chế độ này, trừ phi chính những người cộng sản thoái hóa, biến chất; cũng nên thêm: bởi cả những người lãnh đạo cộng sản giáo điều mù quáng bám chặt những lý thuyết và tư tưởng đã phá sản rõ rệt.
“Phản biện” cũng là một từ kép nổi bật trong năm 2010, khi nhà cầm quyền nghiêm cấm phản biện công khai trên báo chí, tuyệt đối cấm báo chí đăng những ý kiến phản biện đụng đến đường lối chính sách của đảng và nhà nước, vấp phải phản ứng quyết liệt của giới trí thức cho rằng khoa học phát triển ngày càng tiến bộ, có sáng tạo, với vô vàn phát minh là nhờ ở phản biện, cọ xát ý kiến và tranh luận. Do đó, cấm phản biện là chủ trương tối tăm, phản khoa học, phản tiến bộ.
Từ chủ trương “cấm phản biện”, việc Bộ Chính trị kêu gọi toàn đảng, toàn dân góp ý “thẳng thắn và mạnh dạn vào các văn kiện Đại hội XI” trở nên trò đùa trơ trẽn, khi chính những trí thức cao cấp của đảng năm nay góp ý mạnh dạn và thẳng thắn hơn bao giờ hết, bằng cách đồng loạt bác bỏ tất cả 4 cột trụ lý luận và tư tưởng của Đại hội XI là: (1) Chủ nghĩa Marx-Lenin, (2) Chủ nghĩa xã hội, (3) Nền dân chủ độc đảng và (4) Kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Do đó, Đại hội XI sẽ đánh dấu một sự tách biệt bi thảm, có thể nói là một sự chia tay hoành tráng giữa lãnh đạo đảng và giới trí thức dân tộc, một sự chia tay không mấy vẻ vang cho đảng, vốn luôn tự nhận mình là kết tinh của dân tộc và khoa học.
Đi liền với việc “phản biện”, là hiện thân của khoa học, “bauxite” và “thảm họa môi trường do bùn đỏ gây nên” được bàn luận sôi nổi trong xã hội và cả trên diễn đàn quốc hội, dẫn đến sự tồn tại dai dẳng nổi bật của mạng truyền thông Bauxite Việt Nam, được đông đảo người đọc nhất nước ta trong năm 2010.
Cũng trong năm 2010, danh từ “Biển Đông” - với nghĩa “vùng biển phía Đông của Việt Nam và của các nước Đông Nam Á” - được khẳng định ngày càng rõ trên pháp lý quốc tế, đẩy lùi khái niệm “Biển Nam Hải” của Trung Quốc, với những luận điệu ngạo mạn, độc đoán của bọn bành trướng nước lớn rằng “Việt Nam vốn là thuộc quốc của Trung Hoa cho đến năm 1885”, bị bác bỏ dứt khoát trước những dẫn chứng sử liệu rõ ràng.
Trong năm 2010, các học giả của Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đi sâu phát hiện thêm nội dung khoa học của khái niệm “Crony economy” để nhận diện cốt lõi căn cước của chế độ kinh tế-chính trị-văn hóa hiện tại ở Việt Nam. Cụm từ “crony economy” được các học giả Việt Nam trong và ngoài nước tạm dịch là “chế độ phe cánh”, “chế độ nhóm quyền lợi riêng tư”, “chế độ cánh hẩu, tà lọt”, “chế độ mánh mung ăn chia kiểu mafia”,... Sự nhận diện sâu sắc này chĩa đúng trái tim đen của đảng Cộng sản giữa thoái trào và suy sụp không gượng dậy nổi, trước sự khinh miệt của quần chúng đông đảo, đúng vào lúc đang chuẩn bị khai mạc Đại hội XI với một dàn lãnh đạo dự kiến cao tuổi không gây được một ấn tượng nào.
Với những dấu ấn sâu đậm của những danh từ đặc sắc trên đây, năm 2010 sắp qua là một năm bản lề đáng nhớ, năm đấu tranh khá quyết liệt giữa dân chủ và độc đoán, giữa độc lập dân tộc và phụ thuộc bành trướng, giữa công lý và bất công, giữa pháp quyền và đảng quyền.
Cuộc đấu tranh còn gay go, quyết liệt, không bạo lực, đổ máu nhưng luôn đòi hỏi tinh thần bề n bỉ, dấn thân, lòng tin ở chính nghĩa, tinh thần khoa học và quyền phản biện, tranh luận, bắt rễ sâu từ truyền thống dân tộc nhân ái và bất khuất, tiếp sức mạnh mẽ bởi những giá trị văn hóa của thời đại.
Năm 2011 báo hiệu một năm không dễ dàng nhưng mọi tấm lòng yêu nước thương dân có thể hy vọng. Lòng dân đang thay đổi, dân trí về dân chủ đang nâng cao, những giá trị văn hóa của thời đại đang tiếp sức; tuổi trẻ, phụ nữ và trí thức Việt Nam đang thức tỉnh. Mỗi người Việt chúng ta hãy tự mình tỉnh dậy, vẫy gọi nhau hành động vì một nước Việt Nam độc lập đầy đủ, dân chủ thực sự, phát triển bền vững và phồn vinh cho mọi người.