Nguyễn Hoàng Đức - Nếu cứ tiếp tục sống và học theo kiểu "nước đôi", chúng ta chỉ có được những người ẩn sâu dưới hào để làm nhà "an toàn" học mà thôi.
Sự cường thịnh nằm ở... tư duy
Chủ đề mà tác giả Trần Hữu Dũng đề cập trên Tuần Viêt Nam mới đây: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-21-thoi-vang-nhung-nha-van-hoa-lon-" style="color: #0066cc; font-family: Georgia, Bitstream Charter, serif; line-height: 1.5;">"Thời vắng những nhà văn hóa lớn" nghe thật sát sườn và chí lý. Đó không chỉ là hiện thực của dân tộc ngay nhãn tiền mà nhìn tới tương lai, đó là sự thiếu vắng những ngọn đèn chỉ đường có phẩm giá cao về tri thức, cũng như đạo đức để dẫn lối cho một dân tộc phát triển và tiến bộ.
Đây là điều hoàn toàn thực tế và hệ trọng, chứ không như nhiều người nghĩ rằng: Ôi dào kinh tế cứ phát triển, đời sống nâng cao lên, người ta khắc biết sống thế nào cho tốt hơn, cần gì phải sính chữ nhiều?
Chúng ta hãy nhìn về quá khứ, dân tộc Hy Lạp ngự trên những ngọn đồi trọc, cả nông nghiệp lẫn chăn nuôi đều nghèo. Vậy mà họ đã trở thành một đại cường quốc về tri thức, văn hóa, và lập hiến. Thậm chí họ còn giữ vai trò dẫn đường cho đến tận ngày nay.
Mỗi kỳ Olympic, dù ở bất kỳ quốc gia nào tổ chức thế vận hội, người ta đều phải rước một ngọn đuốc từ Hy Lạp chạy bộ về. Chính trong cuốn sách "Xây dựng thế giới của chúng ta" (Building our world) , người Mỹ đã từng viết, chúng ta phải biết ơn dân tộc Hy Lạp về những gì họ sản sinh cho thế giới mà đến tận ngày nay chúng ta vẫn đang thực hành.
Ở giữa châu Âu, có một nước Đức được mệnh danh là nghèo nàn về sản vật, không bao giờ có thể tự nuôi nổi chính mình, vậy mà giờ đây họ đang là một nước công nghiệp phát triển bậc nhất với những hãng xe hơi lừng danh thế giới như Wolvagen, Mercedes, BMV, Audi, Posche... và những bữa ăn của họ từ nhà ra chợ luôn luôn được đo bằng đơn vị carlo đầy đủ nhất.
Còn ngay châu Á, một nước Nhật nghèo tài nguyên vào bậc nhất đã vượt lên để thành cường quốc hiện đại giầu nhất nhì thế giới. Trái lại Việt Nam thì sao?
Trong khi chúng ta xuất khẩu gạo đi khắp thế giới, nhưng bớt sén từng hạt gạo, nào bát bún hay phở, đều độn nào giá nào rau, chan nước phè phè cho đầy lên, nhưng ăn vào vẫn ngót nhiều carlo lắm... Điều đó cho thấy, không phải có nhiều sản vật là được ăn no, mà phải do cách nghĩ đúng, khoa học, hợp lý, người ta mới có được những bữa ăn chuẩn mực về dinh dưỡng cũng như vệ sinh.
Mở rộng điều này ra, thế giới hiện đại đang cho thấy, sự cường thịnh không nằm ở cơ bắp hay tài nguyên, mà nằm ở tư duy. Kinh tế phát triển mà tư duy không phát triển thì chỉ là thứ giầu có cỏn con, ăn lấy đặc mặc lấy dầy mà thôi.
Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và lý luận. Mới đây, các chuyên gia thế giới cảnh báo không thể nào khác được về cái gọi là tận dụng nhân công giá rẻ sẽ không thể phát triển chiều sâu, bền vững và có chất lượng. Những bằng chứng đã chỉ ra quá rõ ràng, từ cổ chí kim, từ đông chí tây, tài sản trí tuệ bao giờ cũng là tài sản lớn nhất, và chỉ có trí tuệ mới tạo ra nhảy vọt cũng như năng xuất đột biến.
Một con người cơ bắp có thể có sức mạnh ngang sức ngựa. Nhưng khi trí tuệ phát triển, người ta sáng chế ra máy móc, thì một cô gái nhỏ nhắn cũng có thể điều khiển cỗ máy hàng triệu sức ngựa. Thời đại công nghệ thông tin với sự thành công đầu tiên của ông vua máy vi tính Bill Gates là một minh chứng rõ ràng.
Không có nhà văn hóa nào là thiên bẩm
Ngay từ xưa người Việt đã bảo "Một người lo bằng một kho người làm". Một người lo bằng cái đầu, tức là lo bằng cơ chế của hệ điều hành, thì người đó chẳng khác gì đầu tầu, đã kéo theo cả chuỗi những toa tầu vận hành. Có một con người vĩ đại đã nói rằng "một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả một dòng sông". Một xã hội rất cần những "hòn đá" có khả năng như vậy, nếu không thì nó chỉ là những hòn đá xếp đống, xây tường hay lát đường mà chẳng tạo thành bất cứ một đỉnh tháp nào.
Đỉnh tháp đó, hòn đá có thể xoay chuyển dòng chảy đó, là những nhà văn hóa. Chúng ta có cần những nhà văn hóa như vậy không? Rất cần! Nhưng chúng ta không thể khao khát bằng cách ngửa cổ ngóng trông những nhà văn hóa xuất hiện như ánh sao băng, hoặc như thần thánh siêu việt xuất hiện.
Thực ra, một dân tộc muốn có nhà văn hóa thì phải có cách để sản sinh, hình thành hay mời gọi nhà văn hóa đó xuất hiện. Tất nhiên không phải bằng cách cúng bái úm ba la, rồi đi ngủ chờ phép lạ xuất hiện. Triết gia Nietzsche có nói "Một dân tộc có thiên tài không bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó". Đúng vậy, một thiên tài ở đâu đó chỉ là cá nhân người đó. Còn một dân tộc biết chấp nhận thiên tài, đó là dân trí của một dân tộc đã khao khát và sản sinh ra thiên tài.
Người dân ở trình độ thấp hơn liệu có đào tạo được nhà văn hóa không, chẳng lẽ có sự ngược đời như vậy? Chúng ta hãy lấy thể thao để dẫn chứng cho dễ hiểu. Dù cầu thủ nào đó có khả năng siêu phàm đi nữa, nhưng nếu anh ta không có môi trường thi đấu, thì chẳng bao giờ anh ta có thể bộc lộ chính tài năng của mình ở một đẳng cấp cao hơn.
Mới đây, tôi có nói chuyện với một giám đốc chuyên về việc đào tạo ngoại ngữ, anh tâm sự, có rất nhiều người Việt cho rằng: Học ngoại ngữ khó lắm, phải có năng lực thiên bẩm mới học được. Cả anh lẫn tôi và nhiều người xung quanh đều thấy quan niệm đó hết sức... vớ vẩn. Tôi cứ tưởng chỉ có một số nhà thơ nói rằng "muốn làm thơ phải có thiên bẩm", nào ngờ cả việc học ngoại ngữ cũng có nhiều người nghĩ vậy. Làm thơ phải có thiên bẩm ư, nhiều người Việt có thiên bẩm đến vậy tại sao chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tầm vóc bé và vừa mà Hội Nhà Văn nước nhà đã chỉ ra?
Còn học ngoại ngữ, đó là môn mà nhiều cô gái bán hoa còn nói như máy để chào rước khách, thậm chí họ còn nói được nhiều thứ tiếng. Hồi tôi học tiếng Pháp, thầy giáo của tôi có nói: Học ngoại ngữ chỉ cần 2 thứ, một có trí nhớ tốt, hai bắt chước như vẹt. Trong khi thế giới người ta luôn luôn sống với phương ngôn "luyện tập là bí quyết của thành công", thì tại sao lại có nhiều người trong chúng ta lúc nào cũng đổ tại cho thiên bẩm, tức là vừa sinh ra đã có sẵn thế rồi?
Việc đổ tại thiên bẩm, vừa là sự tự hào muốn xác định mình ở đẳng cấp vượt trội, "không bị đụng hàng", nhưng cũng vừa là cách người ta biện hộ cho sự lười biếng học hành và luyện tập của mình. Cho rằng học hành thuộc thiên bẩm của một số người, không đến lượt ta học, nên cứ gối cao mà ngủ kỹ. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta còn có quá nhiều nhân công lao động giản đơn mà thiếu những nhân công tay nghề cao.
Thiên bẩm là cái chúng ta có thể chưa ngã ngũ và muốn tranh luận, nhưng may mắn thay cho chúng ta: Không có nhà văn hóa nào là thiên bẩm cả. Tại sao? Vì nhà văn hóa thì phải chịu học, chịu đọc, chịu làm, chịu sống theo phương ngôn lời nói đi đôi với việc làm. Đó là điều chắc chắn! Vậy thì con đường chúng ta mong mỏi có nhà văn hóa trên đất nước là gì? Tất nhiên là: Anh hãy thực hiện những gì mình Học để biến thành Hành đi.
Nhà văn hóa hay nhà "an toàn" học?
Học biến thành Hành như thế nào? Chúng ta hãy đi vào cụ thể hơn. Triết gia Kant có nói: Người ta học làm gì khi không thể đem những điều mình học vào để phán xét sự việc. Học mà không có khả năng phán xét thì cũng như không. Giống nhiều người Việt quan niệm: Học nhiều bồ chữ mà không khả thi được thì cũng chỉ để khoe mẽ vô tích sự.
Qua một loạt các điều tra chúng ta thấy, từ học trò đến thầy giáo của chúng ta rất ít người có chính kiến, sau đó là sáng kiến, thấp hơn thế có rất ít người biết chịu trách nhiệm về phán đoán của mình. Đơn giản một việc điển hình, ở Việt Nam hiện nay có không đến mươi người kể cả những nhà lý luận phê bình thơ ca có khả năng đưa ra nhận xét trực tiếp về một câu thơ, một bài thơ, hay một truyện ngắn...
Hầu hết chỉ dừng ở văn học "bụng", tôi đọc thấy thích... Chính thế mà người ta chỉ có thể buôn "đồ cổ" khi bình luận những tác giả tác phẩm đã thành danh; và viết văn dựa vào (hay lụy vào) cổ sử. Một văn hào có nói: Chỉ có lịch sử hiện tại mới là lịch sử đang sống và hít thở, còn lịch sử đã qua là lịch sử chết, nó không thể có khả năng biến cải hay sáng tạo.
Từ việc không dám chịu trách nhiệm về mình, cũng là việc học không đến đầu đến đũa nên không dám tự tin. Cũng tại bởi trong cuộc sống chúng ta ít chịu rèn luyện việc nhận xét thường trực, mà sống theo kiểu cầu toàn "làm trai cứ nước hai mà nói", nên dù có học nhiều người ta vẫn cứ loay hoay trước vấn đề trực tiếp của hiện thực.
Con đường để tạo ra những con người siêu việt, nhà văn hóa rất rõ ràng. Đó là: Học, rồi biết phân xử sự việc bằng tri thức, từ đó có thể đưa ra những quyết định thực hành. Chúng ta có thể nói vắn tắt theo cách truyền thống là: Học phải đi đôi với Hành! Tôi tin chắc đó là con đường chắc chắn nhất, giản dị nhất, tự tin nhất, và trực tiếp nhất để chúng ta có thể tạo ra những nhà văn hóa. Ngược lại, nếu cứ tiếp tục sống và học theo kiểu "nước đôi", chúng ta chỉ có được những người ẩn sâu dưới hào để làm nhà "an toàn" học mà thôi.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-26-lo-trinh-de-co-nha-van-hoa
Một dân tộc muốn có nhà văn hóa thì phải có cách để sản sinh, hình thành hay mời gọi nhà văn hóa đó xuất hiện. |
Thực ra, một dân tộc muốn có nhà văn hóa thì phải có cách để sản sinh, hình thành hay mời gọi nhà văn hóa đó xuất hiện. Tất nhiên không phải bằng cách cúng bái úm ba la, rồi đi ngủ chờ phép lạ xuất hiện. Triết gia Nietzsche có nói "Một dân tộc có thiên tài không bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó". Đúng vậy, một thiên tài ở đâu đó chỉ là cá nhân người đó. Còn một dân tộc biết chấp nhận thiên tài, đó là dân trí của một dân tộc đã khao khát và sản sinh ra thiên tài. |
Nếu cứ tiếp tục sống và học theo kiểu "nước đôi", chúng ta chỉ có được những người ẩn sâu dưới hào để làm nhà "an toàn" học mà thôi |