Hy vọng gì ở Đại hội Đảng CSVN lần 11? - Dân Làm Báo 1

Hy vọng gì ở Đại hội Đảng CSVN lần 11?

"Làm gì còn có mong mỏi nữa. Người ta mong mãi – mong mấy chục năm rồi. Thực ra thì nhân dân cũng chẳng bao giờ quên rằng đảng CSVN đã có một thời kỳ cống hiến rất tốt, nhưng bây giờ càng ngày càng tồi tệ thì ai mà chịu được, chấp nhận được..." - G.S. Trần Khuê.

Thanh Quang, phóng viên RFA

Đại Hội Đảng CSVN sẽ diễn ra tại Hà Nội, bắt đầu từ ngày 11 tháng 1 nhằm bầu chọn thành phần lãnh đạo mới và đề ra phương hướng phát triển đất nước.

Đối với các chuyên gia, dù từng là đảng viên hay không, thì diễn tiến đó có ý nghĩa ra sao đối với đất nước, dân tộc và thành phần lãnh đạo mới có mang lại hy vọng gì cho quê hương không?

Mang tính hình thức?

Việt Nam hiện đang trong không khí tưng bừng rộn rịp, với vô số biểu ngữ, khẩu hiệu ngợi ca Đảng CS giữa lúc báo, đài dồn dập quảng bá, tuyên truyền cho Đại hội lần thứ 11 của Đảng CSVN.

Trong bối cảnh quan trọng như vậy, có lẽ một trong những câu hỏi cần được nêu lên là liệu diễn biến này có mang lại triển vọng gì cho đất nước, dân tộc VN không, nhất là vào lúc phương Bắc ngày càng lấn lướt, đe doạ đến sự tồn vọng của quê hương? Từ Saigòn, GS Trần Khuê nhận xét:

"Làm gì còn có mong mỏi nữa. Người ta mong mãi – mong mấy chục năm rồi. Thực ra thì nhân dân cũng chẳng bao giờ quên rằng đảng CSVN đã có một thời kỳ cống hiến rất tốt, nhưng bây giờ càng ngày càng tồi tệ thì ai mà chịu được, chấp nhận được.

Cho nên diễn biến Đại hội này chẳng có hy vọng gì cả. Nhưng cũng không đến nỗi phải tuyệt vọng. Vì tất cả những gì lạc hậu, làm sai thì cuối cùng nó cũng phải kết thúc thôi. Có điều là những người có thiện ý muốn vấn đề được kết thúc êm đẹp, chứ không phải kết thúc một cách mạnh mẽ, tàn bạo. Nhưng xem chừng như người dân kêu gọi đối thoại thì các đồng chí không thích đối thoại mà chỉ thích "đối thụi" thôi. Mà "đối thụi" với nhân dân thì các đồng chí sẽ thua chớ thắng làm sao được?"

Theo GS Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, thì những người quan tâm đến chính trị đã theo dõi sát tiến trình đại hội, nhưng họ biết rằng đại hội diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng sắp tới chẳng qua cũng chỉ là một hình thức, chứ nội dung thì hầu như đã được quyết định trong mấy hội nghị gần đây của Ban chấp hành Trung ương

Đảng CSVN, đặc biệt là hội nghị 14. GS Nguyễn Thanh Giang mô tả thêm:

"Những tin rò rỉ từ hội nghị 14 ra ngoài, người ta thấy rằng nếu không thất vọng thì cũng không thấy vui lắm. Trước hết, người ta thấy rằng sự tiếp thu những ý kiến của xã hội, của nhân dân nói chung, kể cả của những bậc lão thành cách mạng, kể cả những vị đã từng có vị trí rất cao trong Đảng như phó Thủ tướng Trần Phương, rồi hàng loạt vị Giáo sư Tiến sĩ đã từng có chức vụ cao trong đảng, với những ý kiến đóng góp cho bản dự thảo cương lĩnh và cho những văn kiện đại hội đảng, thì thấy rằng những ý kiến ấy hầu như không được tiếp thu, mà chỉ tiếp thu những điều phụ thuộc, ngoại vi.

Còn những vấn đề cốt tử có tính cách quyết định đường lối cơ bản để mong thoát khỏi lỗi hệ thống, tức là thoát khỏi một chế độ chính trị lạc hậu, phản tiến hoá thì hầu như không thấy được tiếp thu.

Chẳng những thế, người ta thấy rất không hài lòng trong bài kết thúc Hội nghị 14 vừa qua khi ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tỏ ra hằn học, không chỉ phê phán mà còn lên án, có ý lăng mạ những bậc lão thành cách mạng như vậy. Tôi cho rằng thái độ đó thậm chí phải dùng chữ 'láo xược'."

Người dân lo ngại gì?

000_Hkg4435222-200.jpg

Một cảnh sát đứng gác bên ngoài địa điểm diễn ra Đại hội ĐCSVN tại Hà Nội ngày 07 tháng 1 năm 2011. AFP photo

Chắc chắn một nội dung quan trọng trong Đại hội Đảng là vấn đề nhân sự. Trong mấy ngày qua, nhiều nguồn tin đáng tin cậy tiết lộ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ lên nắm giữ chức Tổng bí thư Đảng, Thường trực Ban bí thư Trung ương Trương Tấn Sang sẽ làm Chủ tịch nước, tin mới nhất cho biết Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, chứ không phải Bí thư Thành Uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, làm Chủ tịch Quốc Hội, và ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục thêm 1 nhiệm kỳ thủ tướng nữa. Nhận xét về thành phần lãnh đạo mới – dù những khuôn mặt cũ, GS Nguyễn Thanh Giang cho biết:

"Chức vị người ta quan tâm nhất, có nhiều ý kiến bàn bạc sôi nổi nhất là chức Tổng bí thư. Tin rò rỉ ra nói rằng chức vị đó có thể sẽ giao cho Chủ tịch Quốc hội bây giờ là ông Nguyễn Phú Trọng. Người ta chỉ e sợ rằng ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư thì VN trước sau gì cũng sẽ chui vào cái rọ, cái thòng lọng của TQ.

Toàn dân VN sẽ không chấp nhận được những nhân vật nào cầm đầu đất nước, cầm đầu đảng này mà tỏ ra thần phục TQ, sẵn sàng dẫn đảng này, đất nước này thành tên lính lệ của TQ, và sẽ phải hy sinh quyền lợi của đất nước, dân tộc, thậm chí phải hy sinh xương máu. Việc đó là việc cực kỳ đau lòng."

Điều mà TS Nguyễn Thanh Giang cho là đau lòng phát xuất từ cách hành xử của ông Trọng khi nắm chức vụ Chủ tịch Quốc Hội nhưng lại có những cử chỉ lời nói không thích hợp như sau:

"Ông Nguyễn Phú Trọng sang TQ, đứng giữa đất TQ và khoe rằng, từ khi tôi lên làm Chủ tịch Quốc hội thì nước đầu tiên tôi đi thăm là TQ. Đó là câu nói vô chính trị.
Thứ hai là giữa lúc TQ đánh chiếm Hoàng Sa, bắn giết ngư phủ VN, khi nó vừa bắn xong 9 ngư phủ Thanh Hoá, thì ông Nguyễn Phú Trọng sang TQ tươi cười, không hề có phản ứng gì cả. Gần đây TQ bày tỏ trắng trợn tham vọng chiếm Biển Đông làm “ao nhà” của họ, sẵn sàng chà đạp lên tất cả quyền lợi Biển Đông của VN thì ông Nguyễn Phú Trọng cứ tuyên dương là quan hệ Việt Nam-Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp hơn bây giờ.

Tôi thấy là ông ta bất chấp tình hình thực tế, bất chấp quyền lợi dân tộc, đất nước, bất chấp lòng căm phẫn, đau khổ của nhân dân VN."

Theo một người từng là viên chức cao cấp trong đảng và nắm rõ “thâm cung bí sử” của Hà Nội, là cựu Đại tá Quân đội Nhân Dân Bùi Tín hiện cư ngụ tại Paris, thì việc ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền lực cao nhất sẽ khiến nhiều người bất bình.

"Sở dĩ ông Nguyễn Phú Trọng được “chấm” vào chức Tổng Bí thư là vì sau khi có sự ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức vụ chóp bu này, nhưng Bắc Kinh lại “mặn mà” hơn với ông Nguyễn Phú Trọng. Do đó sự lựa chọn người làm Tổng bí thư đảng CSVN là sự lựa chọn từ Bắc Kinh."

Chuyện tréo ngoe

Nhà báo Bùi Tín cũng lưu ý đến cơ chế chính trị VN hiện nay “rất lộn xộn” khiến chưa bầu Quốc Hội mới mà lại diễn ra cảnh chia nhau ghế của Nhà nước rồi.

"Có điều trớ trêu là Quốc Hội mới phải tới tháng Tư, tháng Năm sang năm mới bầu, và sau khi được bầu rồi thì Quốc Hội này mới bầu ra chủ tịch và phó Chủ tịch Quốc Hội. Và sau đó mới cử ra Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ. Bây giờ chưa bàn gì về bầu cử Quốc Hội mà Hội nghị Trung ương đã phân công trước sang năm ai sẽ là Chủ tịch nước, ai sẽ là Chủ tịch Quốc hội, ai sẽ là Thủ tướng. Điều đó cho thấy rằng cơ chế chính trị VN hiện nay lộn xộn lắm.

Bởi vì Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đâu ai có quyền cao hơn nữa. Nhưng Hội nghị Trung ương của Đảng, Bộ chính trị của Đảng lại bàn đến các chức vụ của Nhà nước, của Quốc Hội. Điều này cho thấy cơ chế chính trị trái với hiến pháp. Vì Hiến pháp quy định rõ Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Và Quốc Hội mới chưa bầu, chưa họp mà lại có tình trạng chia nhau ghế của nhà nước rồi!"

Qua những nhận xét mà chúng ta vừa nghe cho thấy phía sau bức màn bầu chọn các nhân vật đứng đầu đất nước vẫn còn nhiều điều mà dư luận cho rằng thiếu trong sáng và dân chủ. Hai yếu tố quan trọng bậc nhất này không được tôn trọng thì liệu giới cầm quyền sắp tới có thực sự là chính quyền nhân dân không ?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/any-hope-or-prospect-from-vn-s-11-party-congress-tq-01072011185445.html



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1