GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chẳng có ai “mua” tôi - Dân Làm Báo 1

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chẳng có ai “mua” tôi

Bày mỡ cho mèo ăn rồi bắt

Ông là một chính khách “khá nóng”, nhất là trong nghị trường. Không hiểu ông có sẵn sàng “tranh luận” với KH&ĐS về những vấn đề “nóng và nhạy cảm” không?

Tôi không ngại nói về những vấn đề nóng hay nhạy cảm. Chỉ ngại nói những vấn đề mình không có đủ hiểu biết thôi.

Ông có cho rằng môi trường nước ta hiện nay dễ nảy sinh tham nhũng không?

Tham nhũng nước nào cũng có. Nhưng ở một nước mới chuyển sang kinh tế thị trường, thể chế chưa hoàn thiện thì tham nhũng dễ nảy nở và khó kiểm soát hơn.

a
“Tôi chỉ ngại nói những vấn đề mình không có đủ hiểu biết thôi”.

Theo ông, mức độ tham nhũng ở ta hiện nay đang đi lên hay đi xuống?

Trong những năm gần đây, các vụ tham nhũng được phát hiện ngày càng nhiều. Điều đó có thể khiến một số người nghĩ rằng tham nhũng ngày càng phát triển. Nhưng cũng có thể hiểu là cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh cho nên mình phát hiện ra ngày càng nhiều vụ tham nhũng hơn. Nếu sự việc diễn ra theo hướng thứ 2 thì đáng mừng. Điều quan trọng nhất bây giờ là phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, bộ máy và sự vận hành của bộ máy phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng từ xa tốt hơn là bày mỡ ra cho mèo nó ăn rồi mình đuổi bắt nó.

Nhiều người cho rằng cơ chế phòng, chống tham nhũng của mình chưa tốt?

Luật thì mình đã có nhưng việc thực thi pháp luật thì chưa nghiêm. Đấy là nguyên nhân quan trọng nhất hạn chế hiệu quả của cuộc đấu tranh.

Ví dụ, nước ta có quy định công chức phải công khai tài sản nhưng việc thực hiện còn hình thức lắm. Trong khi đó, minh bạch, công khai chính là vũ khí đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả nhất.

Mất lòng dân thì hậu quả khôn lường

Ông đánh giá như thế nào về tham nhũng vặt ở Việt Nam?

Tham nhũng vặt tuy giá trị không lớn nhưng rất tai hại. Nó thường xảy ra ở cơ sở,  chính vì vậy mà liên quan trực tiếp đến người dân, đánh vào túi tiền của mỗi người dân. “Của đau con xót”, tham nhũng vặt làm cho người dân cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, giảm lòng tin mỗi khi có việc cậy đến chính quyền. Như vậy là chỉ vì mấy anh tham vặt mà chính quyền mất lòng dân. Mất lòng dân thì hậu quả khôn lường.

Về tham nhũng vặt, tôi chỉ lấy hai ví dụ. Ví dụ thứ nhất là chuyện hai cán bộ tư pháp ở một tỉnh phía Nam gần đây bị kỷ luật vì tự đặt ra thủ tục giấy tờ để nhũng nhiễu một phụ nữ làm giấy kết hôn với một Việt kiều. Nếu chị này lấy chồng trong nước, chắc mấy công chức đó chẳng “hành” làm gì. Nhưng chị này kết hôn với một Việt kiều. Mấy người tham vặt nghĩ chồng Việt kiều chắc là “béo” nên “hành” để chị ấy phải xì ra một chút.

Ví dụ thứ hai là việc cấp sổ đỏ. Nhà nước cấp sổ đỏ cho dân là để quản lý đất đai, chứ không phải là ban bổng lộc cho dân. Thế mà ở nhiều nơi đi làm sổ đỏ không lót tay mấy triệu không xong. Bên hành lang một kỳ họp Quốc hội khoá XI, tôi có nói chuyện với một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo một cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương. Anh ấy nói rằng gia đình phải lót tay 3 triệu mới có được cái sổ đỏ. Tôi tròn cả mắt: “Trời ơi! Anh mà họ cũng dám lấy tiền à!” Anh ấy bảo: “Nào có phải mình nhà tôi đâu! Quanh tôi, họ chỉ tha một cựu quan chức, bởi biết rằng ông ấy nghèo, có lấy 100 ngàn, ông ấy cũng không chắc đã có ngay”.

“Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”

Hình như quan liêm khiết như ông cựu quan chức ấy bây giờ cũng chưa nhiều thì phải?

Không thể kết luận nếu không có số liệu thống kê.

Còn những người đấu tranh chống tham nhũng, ông thấy có nhiều không?

Theo dõi qua đơn thư của cử tri, qua báo chí và qua các hội nghị sơ kết, tổng kết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tôi thấy người đấu tranh chống tham nhũng không ít đâu. Bởi vì dân mình ai cũng ghét tham nhũng. Ai cũng hiểu rõ tham nhũng tạo ra bất công xã hội và đẩy đất nước đến chỗ nguy hiểm.

Nhưng bảo là nhiều người tham gia cuộc đấu tranh này thì cũng không nhiều. Bởi vì muốn đấu tranh phải có chứng cứ. Mà tìm chứng cứ đâu có dễ dàng? Kẻ tham nhũng thường xóa dấu vết rất giỏi. Thậm chí mình mất công mất sức tìm ra dấu vết rồi nhưng đấu tranh được với chúng cũng còn khó, bởi kẻ tham nhũng thường có chức có quyền, thậm chí có dây rợ, ô dù che chắn.

a
Người ta đấu tranh chống tham nhũng không phải để được lợi lộc gì hay được tiếng khen

Nói vậy chẳng lẽ ta bó tay đứng nhìn tham nhũng hoành hành sao?

Bó tay chịu trận à? Không đời nào! Các cụ có câu “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Người dân thường có thể phát hiện, đấu tranh với nạn tham nhũng ở cái tầm họ quan sát được, nhất là với tham nhũng vặt.

Đứng trên đại cục thì phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh của Đảng và Nhà nước. Bởi vì tham nhũng đã trở thành một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Muốn bảo vệ chế độ, phát triển đất nước thì phải chống tham nhũng.

“Được tiếng khen, ho hen chẳng còn”


Bản thân người chống tham nhũng thường phải chịu thiệt thòi, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy mà không được hưởng lợi ích gì, ngoài tiếng khen nếu đấu tranh có kết quả. Theo ông, tại sao họ lại chấp nhận làm một việc chẳng có lợi gì cho bản thân như vậy?

Người ta đấu tranh chống tham nhũng không phải để được lợi lộc gì hay được tiếng khen. Dân gian có câu: “Được tiếng khen, ho hen chẳng còn”. Không ai dại gì đặt cược tương lai của mình, thậm chí sức khoẻ, tính mạng của mình và của người thân mình để đổi lấy tiếng khen như thế.

Người ta làm là vì cái gì đó cao cả hơn. Đó là lợi ích chung của đất nước.

Ví dụ, trong vụ án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, ông Đinh Đình Phú là người dám đứng ra đấu tranh. Cuộc đấu tranh thắng lợi, ông Đinh Đình Phú không hề được thưởng một mét vuông đất nào nhưng Nhà nước thì thu hồi được toàn bộ số đất bị đem chia chác. Đó là lợi ích vật chất có thể nhìn thấy. Nhưng mỗi người dân được gì trong cuộc đấu tranh ấy? Đất nước chống được tham nhũng thì mạnh giàu. Đất nước mạnh giàu thì mỗi người dân cũng sẽ được nhờ.

Tôi xin hỏi một câu hơi “nhạy cảm”, ông có thể không trả lời, nếu muốn: Người ta bảo cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng rất nhiều tiền. Liệu ông – ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết có thể bị mua bằng tiền không?

Chẳng ai dại gì đi mua một người không ký được ra tiền như tôi.

Nhưng là ĐBQH, ông có thể bỏ qua những việc làm sai trái của họ?

Từ khi lên Quốc hội, tôi chưa hề tự điều tra hay phát hiện được vụ tham nhũng nào. Những việc tôi biết thì bàn dân thiên hạ đều biết cả. Thậm chí, có vụ toà án nước ngoài còn đưa ra xử, như vụ đưa hối lộ ở dự án đại lộ Đông – Tây (TP.HCM). Trước những vụ việc lớn như vậy, đại biểu Quốc hội làm ngơ sao được? Cho nên chẳng có ai chịu mua tôi đâu, dù chỉ là mua để làm cảnh. Nhưng có mua cũng không được, vì tôi chúa ghét chuyện khuất tất.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này. Xin chúc ông tiếp tục vững vàng trên con đường đấu tranh vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, không có những con sâu tham nhũng làm hại đất nước.

Nguyên Thủy – Quách Dương (thực hiện)

http://bee.net.vn/channel/1988/201101/dB-Nguyen-Minh-Thuyet-Chang-co-ai-mua-toi-1786073/



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1