Cù Huy Hà Vũ, tôi còn nợ anh một lời hứa - Dân Làm Báo 1

Cù Huy Hà Vũ, tôi còn nợ anh một lời hứa


Đỗ Trường - Trung tuần tháng 9 năm 1995, tôi nhận được điện của ông cậu, họ Đặng người làng Hành Thiện, Nam Định. Dòng họ có rất nhiều người làm cách mạng, đều có chức tước to lớn ở cả hai phía Bắc và Nam trước năm 1975, và sau này cũng vậy . Ông hiện là cán bộ cao cấp của chính phủ, sang Paris học về quản lý hành chánh. Ông bảo chỉ cỡi ngựa xem hoa vài tháng thôi, nên cuối tuần đó tôi sang thăm ông ngay, tiện đi Monaco thăm bà bác lấy chồng người Ý, định cư ở đó trước năm 1945.

image

Trường Hành chánh Quốc gia Pháp cách trung tâm Paris có lẽ cũng đến mấy chục km, nên loay hoay mãi năm giờ chiều tôi mới tới nơi. Ở phòng khách, tôi thấy ông cậu đang nói chuyện rất vui vẻ với một người đàn ông trẻ dáng vóc nhỏ nhắn, thư sinh. Sau cái bắt tay, ông cậu giới thiệu với tôi:

- Đây là Vũ, con của nhà thơ Huy Cận, đang học luật.

Trạc tuổi nhau, nên tôi và anh nói chuyện tự nhiên, cởi mở. Biết tôi từ Đức sang anh hỏi thăm tình hình xã hội Đức, và điều kiện làm ăn, sinh sống của người Việt một cách tỉ mỉ. Khi nghe tôi kể về không khí ngày bức tường Berlin sụp đổ và những điều kiện đi đến thống nhất nước Đức, anh nghe rất chăm chú, một lúc sau tôi thấy anh thở dài. Chuyện trò một lúc, tôi rủ ông cậu và anh ra quận 13 khu người Việt chơi và nhậu. Anh đùa bảo ăn và chơi thôi chứ nhậu anh không biết, vì tửu lượng anh không tốt. Lúc đầu thấy anh gọi ông cậu tôi là sếp. Ông cậu tôi cũng cậu cậu, tớ tớ với anh. Tôi tưởng họ làm cùng cơ quan, nhưng không phải, vì quí nhau nên gọi nhau thân mật như khi còn ở Việt Nam.

Hình như bữa tối hôm đó chỉ có mình tôi uống. Anh và ông cậu tôi ăn, uống rất ít. Phải nói Hà Vũ có trí nhớ rất tốt, những dữ kiện lịch sử, những văn kiện của Việt Nam, của Âu, Mỹ anh đọc cứ vanh vách. Tôi là người rất dốt về chính trị, và những khái niệm, thuật ngữ của luật pháp. Hồi còn đi học tôi sợ nhất môn chính trị. Ấy vậy mà cũng đề tài này, nghe anh nói tôi cảm thấy hấp dẫn là đằng khác. Biết tôi cũng tập tọng viết lách, anh bẻ giò lái sang đề tài văn chương. Anh nói lý luận, phê bình bằng những từ ngữ dân dã, bỗ bã thế mà hay. Tôi xin bảo đảm hấp dẫn hơn các thầy, hoặc giáo sư, phó giáo sư đã dạy tôi môn lý luận ở trường sư phạm. (Đặt vấn đề và lý giải vấn đề đó của anh rất mới, đơn giản, sinh động, không lòng vòng, nên hút được người nghe).

Đang hứng khởi nói, thấy ông cậu tôi đứng dậy tìm nhà vệ sinh, anh ghé vào tai tôi:

- Đang lúc nước sôi, lửa bỏng thế này, cụ [tức ông cậu tôi] sang đây học hành làm gì không biết? Ở nhà thế quái nào nó cũng vặt hết tay chân, lông cánh.

Quả thật lúc đó tôi cũng không để ý đến câu nói của anh. Nhưng sau khi ông cậu tôi về nước được mấy tháng, nhận tin ông đã trần trụi về hưu không kèn không trống. Ngẫm nghĩ tới lời nói khi trước của anh, tôi giật mình bái phục.

Chúng tôi khật khừ có lẽ cũng đến gần nửa đêm. Tôi đã loạng choạng, đề nghị thuê khách sạn. Anh bảo giờ này còn khách sạn, khách sọt gì, về nhà khách sứ quán ngủ cho rẻ. Tôi nghe anh, móc chìa khóa xe, anh lại bảo:

- Đi taxi thôi, ông muốn mất giấy phép lái xe hay sao?

Sáng hôm sau ông cậu mắc chứng đi ngoài liên tục, tôi định không đi Monaco nữa. Anh bảo tôi cứ đi đi, ở đây có anh lo. Trước khi lên xe, anh đưa cho tôi danh thiếp công ty của anh ở Việt Nam, và dặn khi nào về Việt Nam nhớ tới chơi. Tôi hứa nếu về Việt Nam dứt khoát sẽ đến thăm anh. Nếu tôi nhớ không lầm ngày đó anh có công ty điêu khắc mỹ nghệ thì phải.

Từ đó đến nay tôi về Việt Nam một lần vào năm 2001, khi mẹ tôi mất, vì thời gian eo hẹp nên không đến thăm anh được. Nhưng tôi vẫn theo dõi anh và những việc làm của anh qua báo chí trong nước. Anh dùng sở học, tấm lòng của mình để cứu di tích lịch sử ở Huế khỏi bàn tay tàn phá của những ông chủ trọc phú mới. Tôi mừng khi anh tham gia ứng cử Bộ trưởng Văn hóa, một người có tâm, có tầm như anh làm bộ trưởng thì còn gì bằng. Tôi cũng đã sống ở nước ngoài gần hai mươi bảy năm. Tôi không hiểu luật pháp Việt Nam, nhưng ở Đức một người dân kiện thủ tướng cũng là chuyện bình thường. Tất nhiên tòa án nơi người dân khởi kiện phải thụ lý. Tòa sẽ gọi cả bên nguyên đơn, và bị đơn là ông thủ tướng ra tòa. Đúng sai có tòa phân xử, nếu ông Thủ tướng thua kiện, ông phải nộp tiền tòa, và chấp nhận hình phạt. Ngược lại người kiện bị thua, phải trả án phí… Tôi tin luật pháp Việt Nam cơ bản giống như Đức,vì tôi đọc báo thấy Việt Nam và Đức đang hợp tác chặt chẽ về lập pháp và hành pháp. Gần đây tôi nghe tin anh và công ty luật của anh lại đứng ra bào chữa miễn phí cho bà con nông dân nghèo. Quả thật tấm lòng vì dân vì nước của anh ít có ai làm được như vậy.

Rồi, đánh đùng một phát, anh lại dính vào vòng lao lý. Thật chẳng hiểu ra sao nữa! Một người không rành về luật pháp như tôi, không thể hiểu được hết những việc làm của anh, và những góc khuất của luật pháp Việt Nam. Nhưng tôi tin một ngày gần đây sẽ sáng tỏ, chứ tôi đọc báo trong nước, họ kết tội anh, trái tim nhút nhát của tôi cứ run lên cầm cập. (Tôi cũng không hiểu sao, báo chí Việt Nam được phép kết tội người khác, khi chưa có phán quyết của tòa?).

Năm hết, tết đến người người sum họp, nhà nhà sum họp, tất cả đang tất bật chuẩn bị đón mừng năm mới. Riêng anh lặng lẽ trong bốn bức tường giam, gió phương bắc đang tràn xuống chắc làm anh lạnh lắm. Cầu nguyện cho anh và gia đình chân cứng đá mềm vượt qua những khó khăn này. Còn tôi chưa biết khi nào được về thăm nhà. Lời hứa với anh tôi vẫn còn nợ đó.

Đ. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

http://boxitvn.wordpress.com/2011/01/30/c-huy-h-vu-ti-cn-n%E1%BB%A3-anh-m%E1%BB%99t-l%E1%BB%9Di-h%E1%BB%A9a/



Bình Luận

Thời Sự

Video

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo 1